Chuyện xưa chuyện nay: “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc

ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Nguyễn Tấn Ngọc,

“Đường lưỡi bò” là một khái niệm được mô tả tưởng tượng ở biển Đông, do phía Trung Quốc nêu lên mà không xác định được vị trí cụ thể, rõ ràng, ổn định trên thực tế. “Đường lưỡi bò” còn gọi là “đường chữ U” (U shaped line), “đường đứt đoạn” (the dotted line).

Sở dĩ gọi là “đường lưỡi bò” vì khi vẽ thể hiện trên bản đồ (do tưởng tượng ra) thì hình dạng của nó giống như cái lưỡi bò bắt đầu từ vùng biển phía nam Trung Quốc thò xuống gần hết biển Đông. Như vậy nó tém hết 80% diện tích biển Đông, trong đó bao trùm cả bốn quần đảo lớn trên biển Đông là Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) của Việt Nam và Pratas Island (Đông Sa) và Zhongsha tức bãi cạn Macclesfield Bank (Trung Sa).

Nguồn gốc cái “đường lưỡi bò” nói trên là do một tư nhân chuyên vẽ bản đồ người Trung Quốc tên là Hu Jinjie tự vẽ ra lần đầu tiên vào tháng 12-1914. Dựa theo đó, về sau “đường lưỡi bò” được một viên chức nhà nước Trung Quốc tên là Bai Meichu vẽ lại vào tháng 12-1947.

Chuyện xưa chuyện nay: “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ảnh 1

“Đường lưỡi bò” trên bản đồ Trung Quốc không được các quốc gia công nhận.

“Đường lưỡi bò” xuất hiện lần đầu tiên in trong một tập bản đồ (Atlas) tư nhân dưới dạng một đường nét liền mà không xác định tọa độ với vị trí chính xác, rõ ràng. Về sau “đường lưỡi bò” được tiếp tục vẽ lại, thay đổi thành một đường đứt khúc gồm 11 nét, rồi như hiện nay gồm chín nét; in chính thức vào các bản đồ của nhà nước Trung Hoa Dân quốc (từ tháng 2-1948) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (từ những năm 1950 về sau).

Đặc điểm của “đường lưỡi bò” là nó là đường vẽ tùy tiện, không dứt khoát, rõ ràng như một học giả Đài Loan đã viết: “Đường ranh giới chữ U không những được xác định trước khi Công ước Geneva 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS 1982 xuất hiện, mà còn không có điểm cơ sở, cũng không có mốc kinh độ, vĩ độ, vì thế nó khó mà biểu thị là một đường biên giới được”.

Cũng như Tiến sĩ Djalal, một chuyên gia về luật biển người Indonesia đã viết: “Không thể chấp nhận được rằng vào năm 1947, khi luật quốc tế nói chung chỉ ghi nhận lãnh hải ba hải lý, Trung Quốc lại có thể yêu sách toàn bộ biển Đông” (Quốc Pháp, Không chấp nhận “đường lưỡi bò”, báo Tuổi Trẻ 18-8-2009, trang 3; Đường yêu sách không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn, báo Thanh Niên ngày 18-8-2009, trang 5).

Như vậy, “đường lưỡi bò” là đường không có thực vì không rõ vị trí nó nằm ở đâu nhưng khi vẽ lên bản đồ của Trung Quốc thì nó được thể hiện bằng hình vẽ sát vào bờ biển của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Khi các tàu Trung Quốc di chuyển, hoạt động trong phạm vi gọi là “đường lưỡi bò” của họ tự vẽ ra thì rõ ràng nó đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác, theo Công ước về Luật Biển năm 1982 với bề rộng 200 hải lý (hơn 360 km) tính từ đường cơ sở sát bờ biển của mỗi nước.

Hiện nay, trừ Trung Quốc và chính quyền Đài Loan, thì không có nước nào công nhận “đường lưỡi bò” này cả. Bởi lẽ nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các nước có tranh chấp chủ quyền mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi tự do và an ninh hàng hải, hàng không của các nước ngoài khu vực cũng như của cộng đồng thế giới.

Đại khái là như vậy, bạn ạ!

Thân chào.

 (Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 174)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm