Chuyện xưa chuyện nay: Tuyên bố DOC

ANH PHÓ trả lời: Bạn Trần Văn Ngọc Anh thân mến,

Từ hai thập kỷ qua, tình hình tranh chấp biển Đông ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều nỗ lực quốc tế và khu vực đã đưa ra kiến nghị biện pháp khống chế nguy cơ xung đột mở rộng để xây dựng an ninh, ổn định. Một giải pháp quan trọng đã được các nước ASEAN và Trung Quốc thỏa thuận là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Nam Trung Hoa (biển Đông) (tiếng Anh viết là Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea, viết tắt là DOC). Bản Tuyên bố này được 10 nước ASEAN và Trung Quốc ký kết tại Phnom Penh (Campuchia) ngày 4-11-2002, là một văn kiện nửa pháp lý nửa chính trị nên không có hiệu lực ràng buộc, chỉ tùy thuộc vào thiện chí thi hành của các bên mà thôi.

Chuyện xưa chuyện nay: Tuyên bố DOC ảnh 1

Bệ thờ “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” trên đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: BÁ HUY

Để tiện tham khảo nội dung theo yêu cầu của bạn, tôi giới thiệu nguyên văn bản Tuyên bố trên như sau:

TUYÊN BỐ VỀ CÁCH ỨNG XỬ CỦA CÁC BÊN Ở BIỂN ĐÔNG

Chính phủ các nước thành viên ASEAN và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,

KHẲNG ĐỊNH lại quyết tâm củng cố và phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân và Chính phủ các nước này nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác láng giềng tốt và tin cậy lẫn nhau hướng tới thế kỷ 21;

NHẬN THẤY sự cần thiết phải thúc đẩy môi trường hòa bình, hữu nghị và hòa hợp tại biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc để tăng cường hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế và phồn vinh ở khu vực;

CAM KẾT phát huy những nguyên tắc và mục tiêu nêu trong Tuyên bố chung 1997 của Những người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ các nước thành viên ASEAN và Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;

MONG MUỐN thúc đẩy các điều kiện thuận lợi để giải quyết hòa bình và lâu bền những bất đồng và tranh chấp giữa các quốc gia liên quan;

NAY TUYÊN BỐ như sau:

1. Các bên khẳng định lại cam kết đối với những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của luật pháp quốc tế, là những quy tắc cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.

2. Các bên cam kết tìm ra những phương cách để tạo dựng sự tin cậy và lòng tin phù hợp với các nguyên tắc nêu trên và trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

3. Các bên khẳng định lại sự tôn trọng và cam kết của mình đối với quyền tự do hàng hải và quyền tự do bay ngang qua vùng trời phía trên biển Đông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

4. Các bên liên quan cam kết giải quyết những tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực, thông qua tham khảo ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

5. Các bên liên quan cam kết tự kiềm chế không tiến hành các hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng các tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống và xử lý các bất đồng một cách xây dựng;

Trong khi chờ đợi có giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán, các bên liên quan cam kết tăng cường các nỗ lực trên tinh thần hợp tác và hiểu biết nhằm tìm ra phương cách xây dựng sự tin cậy và lòng tin giữa các bên, bao gồm:

a. Khi thích hợp, tiến hành đối thoại và trao đổi ý kiến giữa quan chức quân sự và quốc phòng của các bên có liên quan;

b. Bảo đảm đối xử nhân đạo và công bằng đối với tất cả mọi người gặp nguy hiểm hay lâm nạn;

c. Tự nguyện thông báo cho các bên liên quan khác về tập trận quân sự chung/hỗn hợp sắp diễn ra;

d. Tự nguyện trao đổi thông tin thích hợp.

6. Trong khi chờ đợi có giải pháp toàn diện và lâu dài cho tranh chấp, các bên liên quan có thể thăm dò hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác. Các hoạt động này có thể bao gồm:

a. Bảo vệ môi trường biển;

b. Nghiên cứu khoa học biển;

c. An toàn hàng hải và liên lạc trên biển;

d. Các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn;

e. Đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm nhưng không chỉ giới hạn trong các lĩnh vực buôn lậu ma túy, cướp biển và cướp có vũ trang trên biển và buôn lậu vũ khí.

Các thể thức, phạm vi và địa điểm liên quan đến các hợp tác song phương và đa phương phải được các bên liên quan nhất trí trước khi thực hiện.

Chuyện xưa chuyện nay: Tuyên bố DOC ảnh 2

Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) chuẩn bị ra khơi. Ảnh: T.KIM

7. Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc tham khảo ý kiến và đối thoại về các vấn đề liên quan thông qua những thể thức được các bên nhất trí, kể cả việc tiến hành các cuộc tham khảo ý kiến thường xuyên về việc tuân thủ Tuyên bố này, nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt và tính minh bạch, tạo dựng sự hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác; và tạo điều kiện giải quyết hòa bình các tranh chấp giữa các bên.

8. Các bên cam kết tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và tiến hành những hành động phù hợp với những điều khoản đó.

9. Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố này.

10. Các bên liên quan khẳng định lại việc thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông sẽ thúc đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định ở khu vực và đồng ý, trên cơ sở đồng thuận, phấn đấu đạt được mục tiêu trên.

Làm vào ngày mùng 4 tháng 11 năm hai nghìn không trăm linh hai, tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.

Mọi ý kiến trao đổi và thư hỏi về chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay do Anh Phó phụ trách, xin bạn đọc vui lòng gửi về:

Chuyên mục Chuyện xưa-Chuyện nay, Báo Pháp Luật TP.HCM

34 Hoàng Việt, quận Tân Bình, TP.HCM

Fax: 39914663;

E-mail: baophapluat@phapluattp.vn, nguyetsan@phapluattp.vn

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 169)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm