Chợ trời Việt, chợ trời Mỹ

Khi biết tôi sắp đi du lịch Mỹ, một người bạn ở Đà Nẵng bảo: “Sang đó nên đi chợ trời cho biết, sáng Chủ nhật nào người ta cũng tập trung trước các tòa thị chính để họp chợ. Họ bán đủ thứ với giá rẻ. Vui lắm…”. Tôi chỉ cười, không nói gì nhưng trong bụng lại nghĩ: Thằng cha này xúi bậy. Đi du lịch Mỹ là để biết đất nước họ văn minh, giàu có đến đâu, lịch sử, văn hóa họ ra sao, để thăm những danh lam thắng cảnh mà mình chỉ mới thấy trên màn ảnh…Ai lại qua đó để đến cái chợ mà mình đã thấy mòn mắt mỗi sáng tinh mơ!

Chợ trời Việt để người nghèo kiếm cơm

Cái gì chớ chợ trời đối với tôi thì quá thường, bởi gần nhà ông cụ tôi ở Đà Nẵng, từ sau 1975 đã hình thành cái chợ trời đông đúc ven đường Ông Ích Khiêm, Khải Định gần chợ Cồn. Nơi đây bán đủ loại, từ thuốc Tây, đồ phụ tùng xe đạp cho đến các loại cọc sắt, dây kẽm gai, bù loong, ốc vít… Đến khi người ta xây dựng lại chợ Cồn, những khu này bị giải tỏa. Những người buôn bán chợ trời dạt về khu đường Tăng Bạt Hổ, Triệu Nữ Vương và lan dần qua đường Nguyễn Trãi, Mạc Đỉnh Chi, Đoàn Thị Điểm…

Chợ trời kiểu Việt Nam bán trên các sạp cũng có, bày trên lề đường, mái hiên nhà cũng có và là nơi kiếm ăn của người nghèo, người sa cơ thất thế. Đó cũng có thể là chỗ “làm ăn” của người ăn cắp và tiêu thụ hàng gian.

Những năm bao cấp, như nhiều người khác, chú em út nhà tôi sáng nào cũng đi chợ rất sớm và cầm theo cái đèn pin để chọn hàng. Từ những thứ phụ tùng riêng lẻ của những chiếc xe đạp bị mất cắp mà người ta tháo ra để bán, mỗi hôm chú em mua một thứ. Từ bộ nhông, xích, đĩa cho đến vành xe, ghi đông, lốp, cuối cùng là phanh, gạc đờ sên và khung xe. Toàn đồ ngoại còn tốt. Những chiếc xe chú em lắp hoàn chỉnh, sơn lại rất đẹp và thế là mỗi người trong nhà được trang bị một chiếc, tốt như hàng ngoại nhập.

Lại có một bà cụ mà mãi đến năm 2013 tôi vẫn còn gặp. Sáng nào bà cũng xách một chiếc giỏ nhựa đựng trong đó những thứ bà mua được ngày hôm trước, từ chiếc kềm, chiếc kéo cũ đến cái kính chiếu hậu của xe Honda… Bà đi bộ từ khu phố Liên Trì sát sân bay đến chợ trời Tăng Bạt Hổ. Bán xong lại đi bộ về và trên đường về lại lùng sục vào các ngõ ngách để mua hàng cho ngày hôm sau... Nhờ đi bộ nên cụ rất khỏe, nhiều người bình luận vậy!

Còn ở xóm ông cụ tôi đến nay, đa số người dân ở đây sống được nhờ cái chợ trời này. Ai không buôn bán trực tiếp thì cũng sống được bằng nghề xích lô, hàng bún, cà phê, bánh mì cho khách hàng hoặc các chủ tiệm. Nhiều người buôn bán phế liệu, phụ tùng xe cũ ở chợ trời năm xưa, giờ là chủ hiệu lớn buôn bán hàng cơ khí, máy móc và phụ tùng ô tô, có khách hàng ở nhiều tỉnh thành, có xe hơi nhà lầu và có hộ còn gởi con ra nước ngoài học.

Chợ trời Việt là nơi mưu sinh của không ít người nghèo. Ảnh: Trường Giang

Chợ trời Mỹ: có giàu, có nghèo

Tôi mang hình ảnh chợ trời Việt Nam trong hành trình đến Mỹ.

Một sáng tôi đang đi bộ tập thể dục thì được người bạn đánh xe ra rủ tôi đi chợ trời San Jose. Thì ra cô này ra chợ mỗi sáng mua rau quả và vài thứ thực phẩm hằng ngày. Cũng có thể mua ít cà phê bột, vài thẻ hương về dùng ở nhà. Một thoáng cô đã quay về và nói với tôi: Một bó rau chỉ 1 USD, rẻ bằng 1/4 ở siêu thị. Các thứ khác cũng vậy. Người Việt mình lao động cật lực nhưng tiêu pha có chừng nên hàng rẻ và tốt thì mua. Chợ trời ở San Jose là vậy. Tôi chưa ấn tượng gì nhiều.

Qua nhiều tiểu bang khác, mấy người bạn Việt kể có những phiên chợ người ta chở nông sản, rau quả sản xuất ở ngoại ô mang ra bán, mỗi tuần vào sáng Chủ nhật ở những khu vực được quy định sẵn. Nhưng chỉ đến khi tới Pensacola, bang Florida, tôi mới gặp được một chợ trời đúng nghĩa.

Chợ trời T&W Flea Market là một khu đất rộng hơn 2 hecta nằm trên đường North “T” Street. Chúng tôi đến lúc 10 giờ sáng thì chợ đã khá đông với đủ người mua, kẻ bán. Mỹ da đen, da trắng, người gốc Phi, gốc Cuba, gốc Việt, gốc Mễ… đủ cả, thật khó phân biệt nếu không nói chuyện. Chợ là những dãy nhà bằng gỗ, lợp tôn nhựa chiều ngang khoảng 8 m, dài đến vài trăm mét, không che chắn, nằm song song nhau, mỗi đoạn là một nhóm mặt hàng… Thi thoảng lại có những nhà lồng nằm ngang, vài khu trang bị cả máy lạnh cho các gian hàng bán đồ điện tử. Người vào đây tuyệt đối không được mang theo súc vật, không hút thuốc.

Một góc chợ trời ở Pensacola, bang Florida, Mỹ. Ảnh: T.Ð.T

Dạo một vòng chợ, tôi thấy có những món hàng chỉ bán 1 USD hoặc 50 cent, đắt nhất cũng chỉ vài chục USD. Một bộ sạc điện thoại giá 2 USD, mỗi đôi giày cũ giá cũng chừng ấy. Một hàng thức ăn của người Việt bán nhiều loại thịt heo, thịt bò, tôm, xúc xích nướng giá vài ba USD… Tôi chọn mua một cái kéo cắt cây kiểng, cô bán hàng da đen bảo 1 USD, nhưng tôi trả 50 cent thì cô đồng ý bán ngay. Khi đưa tờ 1 USD, cô lại bảo tôi: “ Tao không có tiền lẻ, mày hãy chọn cái gì đó cho đủ một USD”. Tôi chọn cái mở rượu vang, cô ta OK liền! Người bạn vừa đi vừa cười: Ông qua Mỹ mà mua mấy cái đó làm chi. Tôi cười: Để kỷ niệm chợ trời Mỹ mà.

Đến một hàng sách cũ, tôi chọn một bộ hai cuốn khổ lớn, có hộp cứng “Những đời tổng thống Mỹ” ghi giá 12 USD. Bà cụ bán sách bảo nếu trả 10 USD sẽ bán. Nhưng rút kinh nghiệm trước, tôi chỉ trả 5 USD. Bà cười lắc đầu. Khi tôi bước đi, bà gọi lại, đồng ý bán và lấy túi xách bỏ sách vào cẩn thận rồi nói: Thank you so much, kèm theo một nụ cười phúc hậu.

Tôi tưởng chợ trời Mỹ chỉ có vậy. Khi về đến nhà anh bạn mới nghe kể thêm: Bên này, chợ trời giống bên mình ở chỗ đó là nơi dành cho người nghèo đến mua sắm, cũng là nơi kiếm cơm của những người nghèo nhập cư. Nhưng có điểm khác là người giàu của Mỹ cũng đến đó bán hàng. Những món hàng của người giàu đôi khi là cái tủ lạnh, bộ sa lông, máy giặt, TV… họ không dùng nữa, nhưng nếu đem cho thì người nhận mặc cảm không lấy. Giao cho xe chở rác sẽ phải trả phí khá cao. Họ bèn mang ra bán ở chợ trời với giá chỉ vài ba USD! Người nghèo đến mua được những món hàng ấy không còn áy náy, mặc cảm vì đã trả đủ tiền.

Đó là nét hay của chợ trời Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm