Safari vườn thú hấp dẫn nhất Việt Nam

“Lạc đà, hươu cao cổ đang tiến về xe mình kìa, dễ thương quá. Bác tài ơi, mở cửa ra chút xíu đi mà!”. Đó là cảm xúc của những vị du khách đang bị “nhốt” trên xe buýt chuyên dụng khi đi tham quan Vinpearl Safari tại xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc.

Ngỡ như mình đang ở châu Phi

Vừa bước vào công viên, những điệu hát, điệu múa sôi động, tràn đầy năng lượng của các vũ công khiến chúng tôi cứ ngỡ như mình đang lạc bước tới châu Phi. Cô hướng dẫn viên nhắc xe điện tới rồi, tôi mới chợt tỉnh để leo lên xe cùng với đoàn đi thăm các “bạn” thú.

Hướng dẫn viên cho biết đây là vườn thú bán hoang dã đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Công viên có tổng diện tích 500 ha, nuôi dưỡng khoảng 3.000 cá thể thuộc 150 chủng loài đến từ Nam Phi, châu Âu, Úc, Mỹ... Trong đó có nhiều loài quý hiếm như hổ Bengal, linh dương Ả Rập, linh dương sừng xoắn, vượn cáo trắng đen.

Sau khi đi xe điện một vòng thăm các “bạn” thú hiền, chúng tôi chuyển qua xe chuyên dụng để tham quan khu vực hấp dẫn nhất. Nơi đây, sư tử, hổ, trâu rừng, tê giác… được tự do đi lại trong môi trường hoàn toàn hoang dã, còn du khách phải ngồi trên xe, cửa kính kín mít. Đây là điều trước đó tôi chỉ được thấy trên tivi, trong các chương trình động vật hoang dã mà thôi.

Một đàn trâu rừng thấy xe chúng tôi nhưng không chịu nhường đường mà cứ thản nhiên giương mắt nhìn. Bất chợt có tiếng la lên: “Tê giác kìa!”, lập tức mọi ánh mắt đổ dồn về phía “bạn” này. Hướng dẫn viên cho biết: “Tê giác trắng đến từ châu Phi, nặng tới vài tấn. Chúng có hai đặc điểm nổi bật là rất siêng vệ sinh thân thể và thích tắm bùn. Hàng xóm của tê giác là sơn dương và linh dương. Khi được đưa về Việt Nam chúng đã nhanh chóng thích nghi với môi trường dù còn hơi nhút nhát. Để thân thiện hơn, sắp tới tụi em sẽ đặt tên cho các con vật”.

Xe tiếp tục lăn bánh ngang qua đàn hươu cao cổ đang thong thả ăn lá bên đường. Dù biết chắc chắn không được đáp ứng nhưng cô Thanh Hương đến từ TP.HCM vẫn cố năn nỉ: “Bác tài ơi, có thể dừng xe, mở cửa kiếng chút xíu được không? Mấy con hươu này dễ thương quá!”. Đàn hươu cao cổ này có tuổi đời còn khá nhỏ nên chỉ cao khoảng 3-4 m. Thức ăn của hươu ở đây rất giống thức ăn trong tự nhiên với món “khoái khẩu” là lá keo. Môi của hươu cao cổ khá dày kết hợp với lưỡi dài hơn nửa mét giúp chúng nhai lá keo một cách dễ dàng. Lá keo là thức ăn giàu dinh dưỡng, vào mùa khô nguồn thức ăn khan hiếm, lá keo có thể cung cấp đủ hàm lượng dinh dưỡng cho hươu.

Xe đi qua khu vực khác, lại có tiếng xôn xao. “Ơ con hổ! Ôi trời, nó đi mất rồi, con không kịp nhìn”, một bạn sinh viên nuối tiếc. Chưa hết, chú Quốc Dũng đến từ Hà Nội còn gọi điện thoại “tường thuật trực tiếp” cho bà xã. “Bà ơi, con linh dương chúng nó chạy thành bầy, thích lắm. Nhưng ngựa vằn, đà điểu lại ở bên trong, khuất tầm nhìn rồi”. Cứ thế xe chúng tôi luôn náo nhiệt, đủ cung bậc cảm xúc.

Hạnh phúc khi nhìn thú ôm nhau

Anh Công, hướng dẫn viên Safari, chia sẻ: Đón đàn thú về Việt Nam là một công việc rất khó khăn. Chẳng hạn như hươu cao cổ do có chiều cao lên đến 4 m nên khi di chuyển bằng xe tải từ sân bay về công viên thì không qua được cổng. Cuối cùng phải chuyển “bạn” ấy sang xe khác thấp hơn mới vào được công viên.

“Nhớ nhất là hôm chúng tôi đi đón khỉ. Khi vận chuyển mỗi con đều phải nhốt riêng. Lúc về tới nơi, vừa được thả ra là chúng chạy lại ôm lấy nhau mừng rỡ rối rít. Chứng kiến cảnh ấy, chúng tôi hạnh phúc vô cùng”, anh Công rạng rỡ.

Do chênh lệch múi giờ, quãng đường đi xa nên khi về Việt Nam một số “bạn” thú hơi phờ phạc. Đội ngũ chăm sóc phải tắm táp, chiều chuộng, lo từng miếng ăn giấc ngủ, theo dõi tình hình sức khỏe từng ngày, từng giờ, rồi phân công người trực...

Được chăm sóc đầy đủ, các bạn thú nhanh chóng hồi phục và thỉnh thoảng lại đùa giỡn… quá tay. “Có một con nai còn trẻ tuổi, rất nghịch và năng động, do chạy giỡn nên chẳng may va mạnh vào thành chuồng, gãy chân. Thế là các bác sĩ phải đẩy xe vào nâng bạn ấy lên, đưa vào bệnh viện thú y băng bó. Cưng như con mình vậy đó! Giờ thì bạn ấy đã đi lại được rồi”.

Anh Công chia sẻ, có một đoàn khách đã kết thúc chuyến tham quan bằng “sự cố” nho nhỏ khi xe gặp một chú hổ ung dung nằm ngủ giữa đường. Bác tài đành gọi điện thoại “cầu cứu”, lát sau nhân viên phải dùng thức ăn nhử chú hổ đi, đoàn mới có thể tiếp tục cuộc hành trình. Tuy gọi là sự cố, nhưng tất cả người ngồi trong xe đều cảm thấy thích thú. Chắc chú hổ cũng thấy như vậy…

Tháng 10-2015, Vinpearl Safari đã trở thành thành viên của Hiệp hội Vườn thú Đông Nam Á (SEAZA). Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch tập đoàn Vingroup, cho biết: “Mục tiêu lâu dài của Vinpearl Safari là trở thành vườn thú lớn thứ hai thế giới, mang đến không gian tốt nhất để bảo tồn các loài động vật quý hiếm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm