NHÌN TỪ TỔ CHỨC TIỆC Ở HÀNH LANG CHUNG CƯ:

Hội nhập lối sống cộng đồng vào đô thị

Vừa qua tại Hà Nội, hàng chục hành lang ở các khu chung cư nội thành biến thành địa điểm tổ chức ngày lễ 20-10 cho các chị em. Hình ảnh về bữa tiệc này sau khi lan tràn trên mạng xã hội đã tạo ra những luồng tranh luận khác nhau. TS Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Cứ ra vẻ như thế này, thế kia mới là văn minh đô thị thì không phải. Tất cả cách thức biểu hiện ở chừng mực nhất định thì chấp nhận được”.

Cần tôn trọng thị hiếu, thú vui khác nhau

. Phóng viên: Nhìn vào hình ảnh người dân mở tiệc ở hành lang chung cư, ông có suy nghĩ gì, thưa ông?

+ TS Nguyễn Viết Chức: Tôi nghĩ muốn xét đoán cái gì cũng cần hiểu nội tình của nó. Trong trường hợp này, tôi quan niệm rằng nếu như việc làm đó được sự đồng thuận của một cộng đồng nơi họ cùng sinh sống, không vi phạm quy tắc của ban quản lý, không ảnh hưởng, gây phiền hà cho những người xung quanh… thì đó là một việc tốt, không nên nặng nề phê phán.

. Ông có thể phân tích những khía cạnh tốt của việc này?

+ Đã có người coi đó là việc làm đánh mất văn minh đô thị. Tuy nhiên, xu hướng hiện đại không coi văn hóa này hơn văn hóa kia mà chỉ coi đó là những nền văn hóa khác nhau. Các cộng đồng văn hóa khác nhau có những cách ứng xử, hoạt động văn hóa khác nhau, có thị hiếu, thú vui khác nhau… và chúng ta cần tôn trọng những cách ấy. Việc có một hoạt động được cộng đồng chấp nhận, tạo ra thú vui, sự thân tình, cởi mở đó là điều rất cần thiết. Suy cho cùng văn hóa đừng đặt ra cái gì nó xa xôi với mình, với cuộc đời bởi nói đến văn hóa là nói đến con người, nói đến sự ứng xử giữa con người với những người khác, giữa con người với xã hội.

Kết thân thì được chứ đừng ngồi lê mách lẻo

. Nhưng ông nghĩ thế nào khi ở phía phê phán có người cho rằng việc mở tiệc ở hành lang chung cư là biểu hiện của văn hóa làng xã, không phù hợp với văn minh phố thị?

+ Đặt vấn đề văn hóa làng và văn hóa đô thị gần nhau thì hai yếu tố này không có gì mâu thuẫn với nhau, không nên phân biệt văn hóa nào hay văn hóa nào dở, cao hay thấp. Chúng ta chỉ nên nhìn nhận môi trường đô thị thì khác môi trường làng xã. Ví dụ ở văn hóa làng xã, việc tập trung đông người ở sân đình chẳng ảnh hưởng đến người xung quanh nhưng ở văn hóa đô thị, tập trung ở hành lang chung cư có thể ảnh hưởng đến người khác. Nhưng như trên tôi đã nói, hoạt động đó kể cả diễn ra ở môi trường văn hóa đô thị nhưng được cộng đồng chấp nhận, tạo ra những điều tích cực thì nên phát huy.

. Kể cả coi hoạt động đó là biểu hiện của văn hóa làng xã đi nữa, thưa ông?

+ Văn hóa làng xã ở đô thị cũng là nét riêng trong văn hóa người Việt, không đáng để bị phê phán. Kể cả ở chung cư hay rộng ra là đô thị cũng có nhiều người từ nông thôn mà ra, đem văn hóa làng xã đến với môi trường sinh hoạt của mình đấy chứ. Tuy nhiên, khi đến hội nhập với một văn hóa mới, khung cảnh mới thì bản thân anh phải có sự sàng lọc, thích nghi. Các cụ ta xưa nói “nhập gia tùy tục”. Anh đưa văn hóa làng xã đến nhưng không có nghĩa là anh mang cả tập tục đến. Ví dụ như chuyện ngồi lê mách lẻo, soi mói hàng xóm, tung tin đồn nhảm…

Một số chung cư ở Hà Nội đã và đang nhiều lần biến hành lang thành nơi tổ chức những sự kiện đặc biệt như tết Trung thu, 20-10, các dịp tết Âm lịch.

Cần nhiều hoạt động cho cái tình đô thị

. Theo cách nói đó có thể hiểu chúng ta chấp nhận nhiều lối sống, nhiều kiểu sống nhưng phải hài hòa, phù hợp với môi trường xung quanh?

+ Đó là về cá nhân, rộng ra đó là phải có sự thỏa thuận của một cộng đồng với nhau. Ở đâu con người sống cũng cần có tình với nhau, tình làng nghĩa xóm ở quê khác nhưng TP cũng cần có cái tình ấy. Chứ cứ ra vẻ như thế này, thế kia mới là phố, là văn minh đô thị thì không phải. Phố vẫn là người Việt Nam, những người nặng tình, sống ở đâu cũng gắn với cộng đồng. Mỗi cộng đồng người có một sắc thái rất riêng, người Việt Nam dẫu là trong chung cư hay là ngoài chung cư vẫn mang sắc thái người Việt Nam, có thể dễ gần hơn, xuề xòa hơn nhưng tất cả cách thức biểu hiện ở chừng mực nhất định thì chấp nhận được.

. Thế nhưng trong cộng đồng đó có người khăng khăng khước từ văn hóa cấu kết, chia sẻ của cộng đồng đó thì sao?

+ Thì chúng ta phải tôn trọng họ chứ sao, đó là sự lựa chọn của bản thân họ về cách sống. Trong xã hội hiện đại phải học cách chấp nhận sự khác biệt của người khác. Nhưng lật ngược lại vấn đề, anh không có nhu cầu đó nhưng anh cũng phải tôn trọng sự khác biệt của cộng đồng chung nhất, còn sự khác biệt hay nhu cầu của cộng đồng đó lại cần phải làm người khác vui và không ảnh hưởng đến cuộc sống, danh dự, tinh thần vật chất, thuần phong mỹ tục… Ở trường hợp cụ thể như việc dọn tiệc ở hành lang chung cư nhân ngày 20-10 chẳng hạn, đó là một ngày vui, có ý nghĩa tôn vinh phụ nữ thì dù có ảnh hưởng một chút, ồn ào một chút, phiền phức một chút có lẽ chúng ta cũng nên chia sẻ, không nên quá khắt khe.

. Ông đánh giá thế nào về chữ tình ở lối sống đô thị, cụ thể là ở chung cư?

+ Nhìn từ cuộc tranh luận ấy tôi đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ tình làng nghĩa xóm không cần được giữ gìn khi mình chuyển ra đô thị sống, hay người đô thị không cần tiếp thu tình làng nghĩa xóm? Dù thế nào đi nữa, con người cũng là một sinh vật bậc cao, sống không thể cô đơn, nhất là trong cuộc sống hiện đại nhiều căng thẳng thì càng tạo nhiều niềm vui, sự thân mật cho nhau càng tốt. Lối sống đô thị của ta thì chữ tình vẫn có nhưng cần phải được bồi đắp bằng những hoạt động cộng đồng, thân mật, gần gũi.

. Xin cám ơn ông.

Chuyên gia xã hội học - PGS-TS TRỊNH HÒA BÌNH:

Bạ gì cũng quy vào văn minh đô thị thì dễ trở thành vô lối

Trong các ý kiến tranh luận, tôi thấy ý kiến nào cũng có lý. Ý kiến nói rằng tiệc hành lang chung cư thể hiện văn hóa làng xã trong chung cư đô thị có thể đúng về phương diện tổ chức quần cư đô thị. Trong đời sống đô thị, người ta sống khép kín, nhà nào biết nhà nấy, khác với cung cách đời sống cộng đồng, chia sẻ gặp gỡ nhưng cái đó không nhất thiết phải diễn ra như vậy. Nếu thành viên của một xã hội thu nhỏ, người ta tổ chức tiệc tùng đoàn kết với nhau mà có một khuôn viên tổ chức được thì điều đó nó chẳng phải xâm phạm gì. Bạ cái gì chúng ta cũng quy vào văn minh đô thị đôi khi cũng trở thành vô lối. Tôi cho rằng đó là điều tốt, trừ khi người ta không đủ điều kiện, có những người mức sống thấp nhưng cưỡng bức nhau để tham gia, không có thời giờ, xung đột kiểu khác thì không nên. Hoặc bản thân tiệc đó đe dọa sự an ninh, an toàn xã hội… thì mới nên đặt ra vấn đề, ví dụ vì nó làm đình trệ hoạt động của cộng đồng chẳng hạn. Người ta sống trong xã hội là phải có sự tương tác, về bản chất không có ai sống khép kín hoàn toàn, anh tưởng không liên hệ với người ta nhưng thực tế anh vẫn phải liên hệ với mọi người ở khía cạnh khác, cùng hít thở khí trời, cùng chia sẻ nguồn lợi, nước, điện… Rõ ràng những hoạt động như thế làm cho đời sống xã hội nhân văn hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm