Sách mặc áo!

Sách nào in cũng đẹp. Bìa cứng, bìa mềm, giấy láng, giấy vàng, giấy trắng đủ cả, trông vô cùng bắt mắt. Cầm quyển sách lên thấy nhẹ tênh vì có một loại giấy có định lượng nhẹ. Cũng có quyển sách cầm lên với cảm giác nặng chình chịch vì giấy trắng tinh lại bìa cứng… Cứng hay mềm, nặng hay nhẹ về trọng lượng cũng như giá tiền dầu sao cũng là dấu hiệu hết sức đáng mừng trong thời đại kỹ thuật số với sách điện tử, Kindle… Thời của những nhà tiên tri cho rằng sách giấy sẽ chết khi người ta có thể đọc sách bằng iPad, điện thoại thông minh… Sách chết không chưa biết nhưng bây giờ tiệm sách tràn đầy sách là sách với những người mua sách. Đơn giản vì mua sách cũng là một thú chơi. Mà đã nói là thú chơi thì khó có thể mà mất đi trong một sớm một chiều. Cứ cho như vậy đi hén!

Nhưng cái thú đi lùng sách của những người đi tìm sách để mua này đang bị một số NXB làm khó dễ vì cái “thú” của các nhà sách mặc áo cho quyển sách bằng nylon trong suốt. Tôi không hiểu sao NXB hay nhà sách có một “sáng kiến” làm cho người mua sách hết sức bực mình. Chỉ trừ những người đến nhà sách tìm quyển sách A, B hoặc của những tác giả nào họ đã yêu thích… đã được biết thì họ mới không cần biết nội dung trong quyển sách đó là gì. Còn những người có thú đi tìm sách mới thường muốn mở quyển sách, đọc sơ vài đoạn để xem tác giả viết gì. Có thể ngay từ đầu họ chưa muốn mua nhưng đọc thấy tác giả viết hay quá họ không thể bỏ qua. Hoặc có những tác giả đặt những tựa sách mà người tìm sách dễ lầm lẫn về thể loại. Chẳng hạn như quyển sách có tên là Bánh mì bì: Sách văn học hay giới thiệu món ăn chỉ khi đọc được nội dung thì người mua sách mới biết. Cầm quyển Cô gái nhìn mưa của GS Đặng Thị Hạnh (ái nữ của ông Đặng Thai Mai, em gái bà Đặng Bích Hà - phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp) in năm 2008 ai cũng sẽ tưởng là quyển sách viết về thiếu nhi hay chuyện tình yêu nhưng khi đọc thì người ta mới biết đây là một quyển hồi ức có liên quan nhiều đến những nhân vật lịch sử tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thế mà NXB và các nhà sách nỡ đang tâm bọc lại cuốn sách như ngầm ý người đọc chỉ có quyền mua nhưng không có quyền biết nội dung quyển sách để mà chọn lựa. Thí dụ quyển Cô gái nhìn mưa, nếu quyển sách này bị bọc lại thì sẽ có rất nhiều độc giả tuổi ô mai sẽ mua và người thích nghiên cứu lịch sử thì sẽ lờ đi vì chẳng ai biết nội dung đích thực của nó là gì khi cái tựa sách khá đánh đố người đọc, mà nhà sách thì kiên quyết giữ vững lập trường “đóng thùng” cho sách. Ngay cả nhiều khi người mua đã biết nội dung quyển sách của tác giả A, B, C… rồi nhưng quyển sách ấy lại có lỗi như mất trang, đóng lộn trang hoặc rách thì người mua sách phải chịu chứ không thể đến nhà sách mà đổi lại được. Khi mua hàng kim khí điện máy, người bán phải có trách nhiệm mở thùng để cho người mua kiểm tra sản phẩm xem có lỗi hay không. Vậy mà khi mua sách người mua phải mua một quyển sách nằm trong bọc kín, không được kiểm tra chất lượng của nó. Người mua sách trước hết cần biết nội dung cuốn sách đó viết về cái gì, sách có mất trang, đóng lộn “tay trang in”, có bị rách... nhưng đối với những quyển sách được bao bọc bằng bìa nylon thì vô phương!

Tôi được nghe người bán giải thích phải bọc sách vì bụi, vì nhiều người xem sách sẽ cũ, vì đủ thứ… lý do để có lợi cho NXB và nhà sách chứ chẳng nghĩ đến quyền lợi của người mua sách khi nhiều NXB in những quyển sách với tựa đề “Khách hàng là Thượng đế”. Thượng đế mà không được đọc lướt nội dung quyển sách để quyết định mình bỏ đồng tiền ra mà mua hay sao? Chơi như vậy là không công bằng, không tôn trọng người mua sách, đẩy cái khó về cho người mua khi giá sách cũng là một khoản chi tiêu mà mỗi gia đình cần phải tính khi đồng lương chưa được tăng vì ngân sách nhà nước đang thiếu.

Tại sao không có một giải pháp dung hòa: Các NXB, nhà sách cứ bọc sách bằng bìa nylon và có một cuốn sách “ở truồng” làm mẫu cho người mua được quyền sờ, ngắm và đọc!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm