Trào lưu... mì gói

Ấy vậy mà Việt Nam lại là nước đứng thứ hai thế giới về tiêu thụ… mì gói. Ẩn sau đó là một lối sống hời hợt ngày càng lấn lướt giới trẻ.

Có phải vì người Việt quá bận rộn như người Nhật, người Hàn sau chiến tranh, họ phải ăn mì gói vừa tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm thời gian, tranh thủ làm ngày làm đêm để mau làm giàu và canh tân đất nước? Thưa, không phải. Người Việt nhàn rỗi lắm.

Thực khách thường xuyên của mì ăn liền

Cứ đi một vòng quanh các quán cà phê buổi sáng, quán nhậu buổi chiều tối khắp nơi trong TP xem, toàn là thanh niên ngồi đầy kín ở đó. Vậy có phải vì thất nghiệp không làm ra tiền nên họ phải ăn mì gói qua bữa? Lại càng không phải. Bởi những người hình như không có việc gì làm, “phải” ngồi quán cả ngày đó lại là những người có tiền, thậm chí có nhiều tiền. Có thể là tiền do áp-phe mánh mung, cò cốt hay tiền của cha mẹ cung phụng. Khách hàng thường xuyên của mì ăn liền không hẳn là công nhân, sinh viên, học sinh, lao động tay chân nghèo, người nhập cư, người bán vé số… Họ còn là những công tử thượng lưu. Thường thì mì ăn liền là những bữa ăn sáng nhưng có khi cũng là những bữa trưa, bữa chiều thay cơm khi trong nhà hết gạo, túi cạn tiền hoặc quá bận thiếu thời gian. Mì ăn liền đã có thời là chủ đề chính một ca khúc tôi quên tên, mà giới sinh viên - nhất là sinh viên từ các tỉnh về Sài Gòn trọ học thường hát nghêu ngao… Nếu tôi nhớ không lầm thì nữ ca sĩ thời danh Mỹ Tâm bấy giờ cũng hát ca khúc này rất tâm đắc, bởi trong một bài trả lời phỏng vấn, cô có nhắc lại ngày xưa lúc còn đi học ở Nhạc viện TP vẫn thường ăn mì tôm! Mì gói bấy giờ thường được gọi với “mỹ danh” mì tôm (thật ra chỉ có hương vị tôm thôi. Thế cũng tốt rồi). Ấm lòng nửa gói mì tôm… cũng quý rồi.

Những tưởng chuyện đó chỉ tồn tại ở thời bao cấp khó khăn. Hiện Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, đời sống người dân đã từng bước được nâng cao, thế nhưng mì gói vẫn là một mặt hàng bán rất chạy. Hàng chục, hàng trăm nhà máy của các công ty thực phẩm trong nước, ngoài nước tranh nhau sản xuất đủ loại mì gói với bao bì bắt mắt, quảng cáo khuyến mãi cực kỳ hấp dẫn. Đặc biệt tất cả đều nhấn mạnh tới yếu tố giá cả, bởi những “thượng đế” của mặt hàng này túi thường rất nhẹ.

Ăn mì, lướt mạng

Thật ra không chỉ người nghèo hay sinh viên, học sinh ăn mì gói mà còn rất nhiều người Việt Nam giới trung lưu, con nhà “có điều kiện” vẫn ăn mì gói. Như vậy họ ăn mì gói không hẳn do nghèo, do tiết kiệm.

Rảnh rang, ngồi chém gió cả ngày ở quán cà phê được nhưng sáng dậy vẫn mì gói. Như vậy cũng chẳng phải vì họ bận rộn.

Hỏi, nếu có những món như phở, bún, bánh mì, cơm... do người khác dọn sẵn thì họ sẽ chọn mì gói hay những thứ kia? Đương nhiên là không chọn mì gói. Họ dư hiểu biết để phân biệt về giá trị dinh dưỡng, cải thiện khẩu vị.

Vậy thì chỉ còn lý do khiến mì gói lên ngôi đó là tính lười biếng, đại lãn của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Các bậc phụ huynh, các nhà nghiên cứu giáo dục luôn than phiền về một thế hệ trẻ sống hời hợt, lười đọc, lười suy nghĩ... Nhưng nay có thể thấy những người này còn hời hợt, lười biếng ngay cả trong việc chăm sóc cho cuộc sống thể chất hằng ngày của mình. Họ lười tới mức chưa chắc đã tự tay làm một tô mì tôm ăn ở nhà mà có khi lết ra đến quán rồi tiện thể kêu tô mì tôm. Dạo một vòng quán xá, hình ảnh phổ biến đập vào mắt chúng ta là những cô cậu trói gà không chặt, đầu tóc bù xù đang ngồi cắm mặt vào chiếc điện thoại.

Văn hóa đọc, văn hóa ẩm thực không lẽ cứ mãi để mì tôm và trào lưu quẹt màn hình lấn lướt? Thật đáng lo ngại!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm