Văn minh xe buýt

Ngày càng có nhiều người vào sống ở chung cư, đi xe buýt bởi những dịch vụ cộng thêm khá hiện đại, văn minh. Chung cư xây liên tục khắp nơi mà không đủ bán. Hệ thống xe buýt bây giờ dọc ngang khắp TP. Từ trung tâm TP tới các huyện ngoại thành, cứ mươi phút có một chuyến, rất tiện lợi. Hệ thống điều hành cũng văn minh hơn, từ cách ứng xử của nhân viên phục vụ lẫn giờ giấc tương đối bảo đảm.

Xe buýt thời @

Bản thân tôi trước kia cũng rất ngại đi xe buýt vì chờ lâu, chen lấn, mùi mồ hôi nồng nặc, lúc nào cũng giữ chặt túi quần, nơm nớp sợ bị kẻ xấu móc túi; và nhất là xe đến bến thường chậm trễ… Nhưng hiện nay xe buýt máy lạnh, chỗ ngồi thoải mái, có cả chỗ dành cho người cao tuổi, người tàn tật, phụ nữ có thai… Những hành khách đi xe buýt bây giờ cũng hiện đại hơn, không chỉ có sinh viên, học sinh và người nghèo lam lũ như xưa mà có cả nhiều người trung lưu lớn tuổi, công nhân, viên chức về hưu ăn mặc lịch sự, thái độ hòa nhã. Những người này ngại đi xe máy vì nắng mưa, ô nhiễm và dễ bị va quẹt. Tôi cũng thấy nhiều người trẻ đã biết nhường ghế cho người già, phụ nữ… Thật đáng mừng nếp văn minh đô thị có dấu hiệu hình thành. Gần đây tôi chuyển về ở tận “phường cù lao” Long Phước, quận 9, cách trung tâm TP hơn 20 km. Khi nào nhớ phố xá Sài Gòn lại leo lên xe, chỉ với 6.000 đồng và mất chưa tới 45 phút là đến bến xe Công viên 23-9, có thể tản bộ dạo phố Sài Gòn.

Kẹt xe đâu chỉ tại xe buýt!

Không thể không nhắc tới việc nhiều tài xế xe buýt lợi dụng được ưu tiên trên đường đã chạy lạng lách chiếm đường, có khi ép, chẹt nhiều phương tiện khác, gây không ít sự ác cảm cho người dân. Do vậy, trước khi hình thành văn minh xe buýt cho hành khách thì cần phải tập huấn chấn chỉnh để nâng cao thái độ “văn minh xe buýt” cho chính tài xế và đội ngũ nhân viên phục vụ xe buýt. Nếu cần phải dùng biện pháp mạnh để hình thành văn minh xe buýt.

Mặc dù tình trạng kẹt xe, nhất là những giờ cao điểm và khi mưa lũ vẫn ám ảnh người đi đường nhưng không chỉ xe buýt bị kẹt đường, trễ giờ mà hầu hết phương tiện đều bị ảnh hưởng khi các đô thị lớn còn loay hoay hết biện pháp này tới biện pháp khác.

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản GTVT, muốn hết kẹt xe thì các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, đường sắt đô thị (đường sắt trên cao và tàu điện ngầm mà Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng) phải vận chuyển từ 30% đến 40% số lượng hành khách. Thế nhưng đến nay ở ta mới chỉ có xe buýt, chỉ vận chuyển chưa tới 10% lượng hành khách trong khi số xe máy và ô tô con đăng ký mới liên tục phát triển thì sao không kẹt xe. Kể cả vẫn còn những bất hợp lý trong điều hành giao thông cần rà soát và chấn chỉnh để giảm ùn tắc, kẹt xe.

Thiết nghĩ trong khi chờ những chuyến tàu điện đầu tiên của Hà Nội và TP.HCM khởi động thì chính quyền nên đầu tư, cải tiến phương thức hoạt động xe buýt tốt hơn nữa, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút thêm lượng người đi xe buýt.

Về việc quảng cáo hai bên thân xe buýt cứ nghe bàn tới bàn lui hoài trong nhiều cuộc họp HĐND TP.HCM mãi mà chưa thấy thực hiện. Lấy tiền quảng cáo này tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên của hệ thống điều hành xe buýt giúp họ phục vụ tốt hơn, tại sao không?

Trước đây hành trình của các tuyến xe buýt được sơn viết hai bên hông, nhiều hành khách không thuộc số hiệu các chuyến xe có thể nhìn các điểm đến trên hành trình đó mà đón xe, không hiểu sao gần đây những hàng chữ này bị xóa mất, chỉ còn hàng chữ trước đầu xe nhưng xe chạy nhanh quá, nhiều hành khách lớn tuổi không thể đọc kịp! Hỏi một tài xế xe buýt, ông đưa ra mấy tấm bảng vẫn còn để sau lưng tài xế, bảo ban điều hành bắt tháo bỏ mà không cho biết lý do!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm