Vào mùa... chạy trường

Cuối tuần qua tôi đi họp tổng kết cho thằng cháu lớp 5 thay cha mẹ cháu bận việc làm ăn xa chưa về kịp, lại nghe hai người ngồi cạnh thì thầm chuyện chạy trường. Nhưng không phải ai cũng cùng ý kiến hay có điều kiện để chạy...

Nỗi lòng cha mẹ chạy trường cho con

Đúng là chuyện học hành của con cái luôn là ưu tiên số một của các bậc làm cha mẹ. Nhưng không nhất thiết phải cho con vào trường điểm, trường chuyên thì chúng mới giỏi giang hơn người. Đó là quan điểm của ông bạn tôi vốn là một nhà giáo mới về hưu. Ông tâm sự khi còn làm hiệu trưởng một trường THCS có tiếng của TP, những ngày cuối hè, sắp bước vào đợt tuyển sinh là ông phải trốn về quê hay đi du lịch đâu đó mấy tuần để khỏi phải tiếp những người khách không mời. Đó là những người quen biết ông giới thiệu đến nhờ nhận “vớt” thằng con, đứa cháu thi chuyển cấp thiếu điểm, kèm những bao thư mà ông bảo người nhà trả ngay tức khắc. Kể cả những thư tay của “chú Tư” trên sở, anh Tám bên ủy ban... mà ông thật sự khổ tâm tìm cách từ chối. Ông bảo vì vậy sau một thời gian ngắn ông xin đi học thêm để đi dạy THPT, nhường chức hiệu trưởng cho người khác.

Tôi biết không ít phụ huynh học sinh bằng mọi giá tìm cách cho con vào trường điểm, trường chuyên. Anh hàng xóm tôi là viên chức nhà nước, chị vợ có cửa hàng thời trang, chắc tiền bạc rủng rỉnh. Họ có đứa con học lớp 5, chuẩn bị chuyển cấp. Biết tôi viết báo, anh nghĩ là tôi có quen biết nhiều. Anh hỏi tôi có cách gì chạy cho thằng con anh vào trường điểm Ng. không - dĩ nhiên có kèm bao thư, vì anh nghe nói muốn vào trường đó phải lo cả ngàn đô. Tôi bảo tôi không quen chuyện này. Tôi bảo anh cứ cho cháu thi vào, nếu cháu học giỏi sẽ đậu thôi. Đừng tạo cái tâm lý ỷ lại vào đầu óc non nớt của cháu. Anh hàng xóm tôi nói: “Thằng con em nó học cũng khá nhưng em lo, sợ cháu không cạnh tranh nổi, nhất là nghe đâu trường đó nhiều người chạy chọt lắm, sợ thằng con “chọi” với nhiều đứa lo tiền khó qua”. Tôi động viên anh: “Cũng có thể một số trường hợp chạy chọt nhưng đâu phải tất cả đều chạy. Anh yên tâm cho cháu học ôn kỹ rồi thi. Chúc cháu may mắn”.

Điệp khúc chạy trường và những nỗi lo

Một chị bán trái cây mà tôi là khách hàng quen bảo tôi hộ khẩu chị ở Hương lộ 2, quận Bình Tân nhưng lại buôn bán và thuê nhà ở bên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú. Thằng con chị học lớp 4, phải học trường “đúng tuyến” bên Bình Tân, hằng ngày cha cháu ngoài việc đi lấy hàng cho vợ còn phải đưa đón thằng con đi học quá xa, quá bất tiện. “Đó là chưa nói hôm nào ổng bận chuyện gì, cháu phải đi xe ôm, đi về mất hết năm, sáu chục ngàn, quá tốn kém. Chú có cách gì xin cho cháu học ở Tân Phú không? Tốn kém chút đỉnh gì chú lo hộ...”. Tôi lắc đầu, bảo anh chị cứ làm đơn nộp trường nào gần nhà, trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình, có khi ban giám hiệu cứu xét cho cháu.

Một trường hợp khác cũng có thể gọi là chạy trường. Bà chủ quán cơm bình dân gần ngã tư Bình Triệu mà tôi thỉnh thoảng ghé ăn hỏi tôi: “Anh có cách gì chạy cho hai thằng con tôi năm học tới vào học trường công không? Trường nào cũng được. Một đứa lớp 8, một đứa lớp 6 đều học trường tư tốn kém quá, vợ chồng tôi không kham nổi”. Tôi bảo chịu thôi. Rồi hỏi sao lại cho cháu học trường tư, anh chồng vừa dọn dẹp chén đĩa vừa nói: “Bọn tôi tạm trú, đâu có hộ khẩu thường trú mà cho con vào học trường công”. Tôi khuyên anh ráng lo thủ tục tạm trú KT3 rồi viết đơn xin một trường nào gần nhà. Anh chị ở vùng ven, có lẽ dễ dàng hơn. Nhớ nêu trường hợp khó khăn của gia đình mình. Chị vợ thở dài, đã lỡ đưa chúng nó vào, giờ chả lẽ lại đưa nó trở về quê Bình Định học lại. Mà chắc gì về quê trường cũ người ta nhận lại!

Chuyện chạy trường thật ra chỉ là con số rất nhỏ nhưng nó ám ảnh nhiều bậc phụ huynh. Đã gọi là “chạy” dĩ nhiên phải có phong bì, nhiều ít tùy trường hợp. Ngoài những cách “chạy” thông thường còn có một cách chạy an toàn nhất là thông qua một số giáo viên: Họ nhận phong bì rồi gửi gắm những học sinh ngoại tuyến hoặc thi thiếu nửa điểm, 1 điểm được vào học ở trường mình dạy như là các “suất đặc cách”. Đây là chuyện dài từ lâu nay ai cũng biết, chẳng lẽ lãnh đạo ngành giáo dục không biết? Chỉ vì các vị không giải quyết rốt ráo mà thôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm