Xã hội lắm nỗi buồn phiền

Chuyện xã hội nhiễu nhương, mất hết nhân tính và đạo lý: con giết cha, người đẹp đâm chết thanh niên, ông cụ giở trò đồi bại với cháu hàng xóm, mẹ đốt con, cắt cổ tình nhân… cứ xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.

Những muộn phiền cứ âm ỉ cháy

Ngành y tế với bao lo âu vì vaccine, vì giá viện phí tăng 2%-7% và giang hồ mò vào bệnh viện đâm chém bệnh nhân, kể cả bác sĩ. Đến chuyện ngân khố quốc gia khi ngân sách nguy ngập chỉ còn 45.000 tỉ đồng (chưa kể 50.000 tỉ vay ODA theo lời Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn) hay nợ công đã ngấp nghé 63,2%. Trên mặt báo thỉnh thoảng lại rộ lên cảnh bức cung dùng nhục hình chỉ để người ta nhận tội, để mình hoàn thành mục đích.

Khó có thể mà đổ lỗi “tôi nóng quá” khi một đấng trượng phu mang trên mình trọng trách thực thi pháp luật lại đánh đập tàn nhẫn một phụ nữ chân yếu tay mềm mà họ lại hoàn toàn vô tội. Sự bất an, phẫn nộ của giới trí thức, học giả, chính khách và của cả người dân trên cả nước chứng kiến Trung Quốc ngày đêm dòm ngó biển Đông. Trên mặt báo, trên mạng xã hội đầy rẫy những chuyện buồn phiền. Có thể nói là buồn phiền xuất hiện mọi nơi, mọi lúc và mọi ngóc ngách. Ấy vậy mà vẫn tự hào rằng mình đang sống “hạnh phúc nhất quả đất”.

Bản thân phiền muộn chuyện gia đình và những mâu thuẫn tình cảm, tiền bạc không thể giải quyết cứ âm ỉ cháy; rồi than trách xã hội và oán trách cả chính bản thân mình. Có quá lắm chuyện buồn phiền nên những hình ảnh tưởng chừng như đơn giản lại trở thành làn sóng làm thức dậy lương tri của nhiều người.

Việc tốt bình thường thành hàng hiếm

Hình ảnh một thanh niên dắt bà cụ qua đường, hình ảnh anh CSGT đẩy xe cho người dân qua giao lộ ngập lụt, một ông bộ trưởng phát biểu trải lòng về cách điều hành kinh tế bất cập và lo lắng cho sự hội nhập của nền kinh tế quốc gia… Tất cả đều trở nên vô cùng ý nghĩa. Nhưng thực ra những hình ảnh đó là một lẽ hết sức tự nhiên và bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, khi xã hội đang rớt rơi đi những điều tốt đẹp vốn có, phải có và đầy rẫy những chuyện buồn phiền thì những điều bình dị đó lại trở thành điều kỳ diệu.

Ai có thể làm ngơ được khi chứng kiến một bà cụ lọm khọm qua đường trong ma trận xe cộ tấp nập. Tính mạng của cụ sẽ ra sao, chẳng lẽ thấy nguy mà không cứu. Làm sao một anh CSGT có thể đứng yên không giúp một tay khi thấy người dân khổ sở vật lộn với chiếc xe trong ngập lụt. Chả lẽ không thể dành một tí sức lực của mình để giúp người đang góp phần trả thuế để nuôi gia đình mình. Thậm chí họ là ai đi nữa thì có mất gì đâu nếu không giúp người ta một tay.

Có gì lạ đâu khi một ông bộ trưởng chê trách cách điều hành kinh tế của Chính phủ hay ổng lo lắng cho ngân khố quốc gia. Nền kinh tế quốc dân bị uy hiếp, sự thành bại của các doanh nghiệp, bữa cơm của mỗi gia đình người dân… Đó chính là điều ông bộ trưởng phải chăm lo. Người dân, doanh nghiệp đã đóng thuế, tạo công ăn việc làm cho chính ông bộ trưởng thì ổng phải lo cho người trả tiền nuôi mình là điều tất nhiên. Bởi không có một quy luật nào mà “ông chủ” lại đi trả tiền cho “người làm” lười nhác và không chịu làm việc cả.

Thế nhưng vì thời gian qua gần như không ông bộ trưởng, quan chức nào dám nói: 40.000 ô tô công đang ngốn gần 13.000 tỉ đồng/năm, ngân sách quốc gia chỉ còn 45.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu ra quốc tế là để lại hậu quả cho con cháu… nên những điều đó lại trở thành “điểm nóng” của xã hội. Đẩy cả xã hội vào chốn buồn phiền với cả thực trạng hiện tại và tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm