Cách làm hiệu quả để bảo vệ đất trồng

Trong quá trình trồng trọt, ô nhiễm và suy thoái đất là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc quản lý và tìm ra giải pháp giảm thiểu tình trạng này được đặt lên hàng đầu. Sở TN&MT sẽ cung cấp vài cách làm giúp bà con vừa đảm bảo năng suất, vừa bảo vệ đất trồng.

Nguy cơ gây ô nhiễm đất trồng

Trong nông nghiệp, việc tăng vụ trồng cây chuyên canh sẽ làm giảm độ phì nhiêu của đất vì chúng không có thời gian để phục hồi. Đồng thời vấn đề sử dụng phân hóa học quá mức, không đúng cách làm tăng mức độ ô nhiễm. Đó là chưa kể tới một số loại phân bón kém chất lượng. Chúng làm cho đất bị chai xấu, thoái hóa, khó có thể đạt năng suất cao, thậm chí không thể canh tác tiếp được. Mặt khác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức; không đúng cách, chủng loại; các loại thuốc trong danh mục bị cấm… sẽ tăng thêm tác động có hại cho hệ sinh thái và môi trường. Lượng thuốc tồn dư sẽ gây trở ngại, tiêu diệt động thực vật dẫn đến khả năng phân hủy hữu cơ kém. Kết quả là mất vệ sinh đồng ruộng, vườn tược, giảm độ màu mỡ.

Trong bùn đáy có chứa rất nhiều độc tố do sự tích tụ lâu ngày các thức ăn thừa, hóa chất làm sạch, thuốc kháng sinh… Các hộ nuôi tôm sau khi thu hoạch, vệ sinh đầm, việc thải bỏ bừa bãi bùn đáy sẽ gây nhiễm bẩn đất và nước ngầm. Mặt khác, thu hoạch sản phẩm hay cày bừa bằng máy móc, thiết bị có bánh xe to cũng sẽ ảnh hưởng đến đất. Đồng thời, việc chăn thả trâu, bò, dê bừa bãi cũng gây tác động tương tự. Ở những vùng còn khả năng canh tác nông nghiệp, mở kênh dẫn nước mặn sẽ làm cho đất bị nhiễm mặn, chai cứng, mất khả năng canh tác trong một thời gian dài.

Cách làm hiệu quả để bảo vệ đất trồng ảnh 1

Bà con chú ý sử dụng máy móc, thiết bị phù hợp để bảo vệ đất trồng. Ảnh: INTERNET

Việc ủ phân tươi bón trực tiếp cho cây trồng không đúng kỹ thuật sẽ gây ô nhiễm môi trường. Số lượng sinh vật gây bệnh còn tồn tại trong phân rất lớn, vì thế chúng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và vật muôi. Chưa kể mùi hôi là vấn đề cần xem xét. Ngoài ra, nhiều nhóm vi sinh vật trong phân tươi sẽ diệt một số sinh vật có ích trong đất.

Tăng thu nhập và bảo vệ môi trường

Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chúng ta nên hạn chế khả năng phân hủy chất hữu cơ cho đất và sử dụng thuốc đúng chủng loại. Đặc biệt, bà con lưu ý mỗi nhóm sâu bệnh có dạng thuốc trị khác nhau. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cho phù hợp, không dùng bừa bãi, không sử dụng các loại thuốc đã cấm lưu hành là điều quan trọng.

Khi sử dụng phân bón, bà con chú ý tăng tỉ lệ sử dụng phân hữu cơ thay cho phân hóa học. Ưu điểm của chúng là có tác dụng cải tạo đất, tăng tỉ lệ mùn và tích lũy được nhiều dinh dưỡng. Việc này sẽ giúp cho đất tăng độ phì nhiêu và tơi xốp. Trong quá trình cày bừa, thu hoạch, chúng ta nên sử dụng các loại máy móc theo đúng kỹ thuật để hạn chế làm đất bị tổn hại không cần thiết.

Trong chăn nuôi, bà con cần chú ý là chuồng trại phải có bể chứa phân, nước tiểu, thức ăn thừa của gia súc, gia cầm. Bể chứa chất thải phải được xây chắc chắn và tránh rò rỉ. Ủ phân trong điều kiện kỵ khí giúp giảm lượng vi khuẩn gây bệnh và ổn định nồng độ dinh dưỡng. Có ba phương pháp ủ bà con có thể tham khảo là ủ nóng, ủ nguội và ủ hỗn hợp. Mỗi cách làm đều có ưu và khuyết điểm riêng, mọi người có thể chọn phương pháp thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể. Với cả ba cách, hầm ủ nên được phủ bằng nylon phía trên để tránh mưa, nắng, ảnh hưởng đến chất lượng phân. Đặc biệt, sau khi lấy phân ra khỏi nơi ủ, bà con hãy sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách để diệt ruồi, vệ sinh sạch sẽ, hạn chế lan truyền bệnh. Hầm ủ kỵ khí phải được làm bằng vật liệu thích hợp như xi măng, túi nhựa để tránh rò rỉ.

Tăng chương trình hỗ trợ nông dân

Ngoài việc tuyên truyền cách làm đúng cho bà con, các cơ quan môi trường địa phương cần ban hành, đẩy mạnh chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường. Đồng thời, quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp cần thực hiện phù hợp với sự phát triển của khu dân cư. Mặt khác, các tài liệu, chương trình hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp sử dụng chất thải nông nghiệp, nhu cầu vốn cần được thực hiện một cách có hiệu quả. Việc làm này vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân vừa bảo vệ môi trường. Mặt khác, hệ thống thu gom, lưu trữ và xử lý chất thải nông nghiệp tập trung cũng cần được xây dựng. Cụ thể, Phòng TN&MT các quận, huyện trực tiếp quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy định, chính sách của Sở ban hành. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón đúng cách. Đồng thời, phòng chuyên môn địa phương cần tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường.

NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm