Cần bảo vệ mắt trẻ em?

Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết trẻ em ở nội thành dành hết thời gian cho tivi và đọc sách báo...; không (và rất ít) trẻ tham gia các trò chơi vận động, không tập thể thao... Qua đó báo động về mức độ cận thị đối với trẻ ngày càng tăng...

Cận thị ở học sinh

Cận thị là một dạng tật khúc xạ của mắt, trong đó hình ảnh của vật hội tụ ở trước võng mạc, làm cho hình ảnh bị mờ. Chính vì vậy, cách xử trí là đeo kính đúng độ để đưa hình ảnh của vật về hội tụ đúng trên võng mạc. Khi đó mọi vật mới trở nên sắc nét và rõ ràng.

Cận thị chưa có một nguyên nhân cụ thể nhưng có nhiều yếu tố liên quan. Quan trọng nhất là yếu tố di truyền và môi trường. Cận thị do di truyền thường là cận thị nặng, từ sáu độ trở lên. Cận thị nhẹ đa số có ảnh hưởng của môi trường như: xem tivi nhiều, chơi game trên máy tính quá lâu, đặc biệt là do học tập trong điều kiện thiếu ánh sáng. Ngoài ra, những trẻ sinh non, thiếu tháng khi trưởng thành cũng có tỷ lệ cận thị cao hơn so với các trẻ sinh bình thường, đủ tháng.

Năm nguyên tắc bảo vệ mắt cho trẻ

- Đảm bảo đủ ánh sáng: Ánh sáng phải chiếu từ phía trước mặt lại hoặc từ bên trái sang.

- Kích thước bàn, ghế phù hợp với tuổi và chiều cao của trẻ. Hiệu số độ cao giữa bàn và ghế là khoảng 18-20 cm.

- Tư thế học tập đúng: Ngồi thẳng lưng, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25 cm.

- Chữ viết phải rõ nét.

- Chế độ nghỉ ngơi mắt hợp lý: Ngồi cách màn hình vi tính từ 45 cm đến 63 cm. Cần nghỉ ngơi 5-10 phút sau mỗi 30-40 phút học tập trên máy vi tính. Xem TV hoặc chơi trò chơi điện tử không quá ba giờ/ngày. Cần đảm bảo ngủ 8-10 giờ mỗi ngày. Không nằm, quỳ để đọc hoặc viết bài. Không đọc khi đang di trên ôtô, xe lửa, máy bay hoặc trong ánh sáng yếu.

Cho trẻ đi khám mắt khi thấy:

Trẻ luôn ngồi quá gần tivi, đọc sách, truyện quá gần; trẻ hay nheo mắt; nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ; thường dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ; sợ sáng, chói mắt, hay chảy nước mắt; nhắm một mắt khi đọc hoặc xem tivi; điểm học sút kém hơn thường lệ; tránh né các hoạt động cần thị giác gần (đọc, vẽ, viết...) hoặc những hoạt động cần thị giác xa như ném bóng, chơi trốn tìm, đuổi bắt...

Dinh dưỡng cho mắt

Nên cho trẻ ăn nhiều rau lá xanh, củ, quả vàng đậm, đỏ, cam, trái cây tươi, tối thiểu hai bữa cá mỗi tuần, thịt, trứng, sữa, gan, dầu nành, dầu mè... để nhận đủ các vitamin A, C, E, acid béo thiết yếu omega-3, omega-6... Hàng ngày cơ thể cần khoảng 55-70 mcg selenium có từ các loại hải sản, phủ tạng động vật, thịt, các loại ngũ cốc... Chất lutein có trong bắp, trứng được gọi là carotenoid võng mạc do vai trò quan trọng đối với võng mạc, đặc biệt là ở điểm vàng.

Ngoài ra cần bổ sung các chất khoáng như: kẽm (Zn), nhu cầu hàng ngày khoảng 12-15 mg qua hải sản, thịt đỏ, gan, cá, trứng, sữa, đậu đỗ, đặc biệt trong hàu có hàm lượng kẽm rất cao. Magnesium (Mg): Mg được phổ biến rộng rãi, có nhiều trong ngũ cốc, trà, rau xanh, sữa, hải sản... Nhu cầu Mg hàng ngày khoảng 280-350 mg. Đặc biệt, vitamin A không thể thiếu khi nói đến thực phẩm cho mắt, hiện diện trong các thức ăn có nguồn gốc động vật, đặc biệt nhiều hơn trong gan, lòng đỏ trứng, dầu gan cá, sữa mẹ, nhất là trong sữa non. Thức ăn thực vật không chứa vitamin A nhưng các loại rau quả màu vàng cam, màu xanh đậm có chứa beta-caroten, khi vào trong cơ thể có thể được chuyển đổi thành vitamin A.

Cần lưu ý đặc biệt với nhóm trẻ cận nặng

Cận từ sáu độ trở lên được xem là cận nặng. Do đó, nhóm trẻ này không nên chơi những môn thể thao nặng như tạ, thể hình; không mang vác quá nặng; tránh chấn thương vào mắt; kiểm tra đáy mắt ít nhất một lần/năm; đi khám ngay khi thấy có hiện tượng chớp sáng, ruồi bay, mờ một phía.

Nếu bạn ngờ rằng mức phát triển thị lực của con mình bị trễ nhiều, nên đưa cháu đi khám ngay để xác định xem có cần xét nghiệm hoặc làm các đánh giá khác.

Điều tra mới đây của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT (trên 5.536 HS tiểu học, THCS) cho thấy tỷ lệ HS tiểu học bị cận thị là 5,52%; 14,38% với HS THCS. Tỷ lệ cận thị ở HS nữ cao hơn nam giới, đặc biệt là tỷ lệ cận thị ở khu vực nội thành cao hơn ngoại thành. Một trong những nguyên nhân gây bệnh cận thị là do bố trí nguồn sáng không phù hợp. Cụ thể là về chiếu sáng, có tới 70% số phòng học có tỷ lệ diện tích cửa sổ/diện tích lớp không đạt yêu cầu; 32,1% lớp chưa đạt tiêu chuẩn về chiếu sáng và 27,6% không đạt yêu cầu về chiếu sáng nhân tạo.

Các hướng dẫn về khám thị lực theo lịch sau

- Bé mới sinh cần được khám mắt tại nơi sinh.

- Bé sinh non, bé có vấn đề rõ ràng về mắt và bé có tiền sử gia đình có vấn đề về mắt (đục thủy tinh thể, bướu) cần được chuyên gia chuyên khoa khám.

- Vào tháng thứ sáu, tất cả các trẻ cần được đưa đến bác sĩ khám mắt và luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nhãn khoa.

- Vào khoảng ba đến ba tuổi rưỡi, trẻ cần được khám mắt. Lần khám này cần test thị lực và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có vấn đề về mắt.

- Khoảng năm tuổi, trẻ cần được kiểm tra thị lực và sự thẳng hàng của mắt, cũng như tham khảo ý kiến bác sĩ khi có vấn đề.

BS ĐỨC DŨNG (Menu Communication)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm