Dọn dẹp tủ lạnh sau tết

Hết tết, nhiều bà nội trợ phát hoảng khi tủ lạnh trong nhà vẫn dồn ứ thức ăn chưa kịp giải quyết trong mấy ngày tết, từ thịt cá tươi sống, đồ ăn đã chế biến đến bánh chưng, bánh tét, rau quả, trái cây… Để bảo vệ sức khỏe cho gia đình, bạn cần dọn dẹp thức ăn trong tủ lạnh, mạnh dạn loại bỏ đồ ăn hết dinh dưỡng và không đảm bảo an toàn.

Dọn dẹp tủ lạnh sau tết ảnh 1

Không để rau cải quá hai ngày trong tủ lạnh. Ảnh minh họa: HOÀNG LAM

Loại bỏ thực phẩm hết dưỡng chất

Đồ ăn không giải quyết hết trong bữa ăn đầu thì cất tủ lạnh, cất rồi lại hâm mang ra ăn, ăn không hết lại mang đi cất… Điệp khúc hâm đi hâm lại món ăn quá hai lần khiến chúng không còn đảm bảo chất dinh dưỡng. Khi thức ăn cũ chưa giải quyết hết, thức ăn mới lại được chế biến rồi thừa và cất vô tủ lạnh khiến tủ lạnh bị dồn ứ lại không khác một bãi rác. Các thực phẩm tươi sống, mới cũ quyện vào nhau tạo thành một thứ mùi ngộp thở là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn nên cất thức ăn thừa vào trong tủ lạnh tốt nhất trong vòng hai giờ sau khi nấu. Khi đã hâm lại thức ăn thừa một lần mà vẫn không ăn hết, bạn nên loại bỏ chúng đi chứ không tiếp tục cất vào tủ lạnh lần thứ hai. Đồ ăn đã ở trong tủ lạnh quá một tuần thì hoàn toàn không còn chất dinh dưỡng nên đừng tiếc.

Thông thường, nhiều gia đình có thói quen nấu một nồi thật to các món thịt kho trứng, khổ qua dồn thịt, măng hầm chân giò… để ăn tết. Tuy nhiên, các món này chỉ nên dùng trong 2-3 bữa và không hâm đi hâm lại nhiều lần. Bánh chưng, bánh tét thường bị “sống” lại từ ngày thứ 5-6 sau khi nấu nên tốt nhất là dùng chúng trong thời gian 3-5 ngày.

Trứng có thể để trong tủ lạnh khá lâu nhưng không phải đến bao giờ cũng được. Bạn chỉ nên dùng trứng trong vòng ba tuần kể từ ngày mua để đảm bảo trứng còn chất lượng tốt.

Sử dụng tủ lạnh đúng cách

Tủ lạnh không phải là nơi lý tưởng để trữ thực phẩm như mọi người vẫn tưởng. Thức ăn ướp lạnh là môi trường khá thuận lợi cho vi khuẩn listeria phát triển. Nó có thể gây ra ngộ độc dẫn đến chết người, sinh non đối với phụ nữ đang mang thai.

Nếu để tủ lạnh ở nhiệt độ 5oC-6oC, vi khuẩn sẽ dễ sinh sôi để làm hỏng thực phẩm. Do vậy, bạn cần bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh ở nhiệt độ dưới 5oC. Tuy nhiên, nhiều loại vi khuẩn có khả năng chịu lạnh tốt như tả, lỵ trực khuẩn, thương hàn nên tủ lạnh không phải là môi trường vô trùng. Mặt khác, ở nhiệt độ quá thấp như thế này, các loại thực phẩm cũng dễ bị biến chất, kém tươi ngon.

Sử dụng tủ lạnh đúng cách do vậy rất quan trọng. Tủ lạnh, các loại khay, đồ dựng, ngăn đá, ngăn lạnh… trong tủ lạnh cần được lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ thường xuyên. Thức ăn động vật cần được nấu chín thật kỹ trước khi cho vào tủ lạnh. Thức ăn chín đặt cách ly với thức ăn sống để tránh ô nhiễm. Bạn chỉ nên rã đông một lượng thịt đủ dùng, tránh bỏ ra bỏ vô miếng thịt vào tủ lạnh nhiều lần khiến chúng trở thành một khối chất độc.

Bỏ thói quen chất đống thực phẩm trong tủ lạnh, bạn nên đi chợ mỗi ngày để mua thực phẩm tươi ngon cho cả gia đình hoặc chí ít cũng phải hai ngày một lần.

Đừng biến tủ lạnh thành kho chứa đồ

Tủ lạnh không phải là nơi trữ đồ ăn thừa bao lâu tùy thích. Nếu không xử lý kịp thời và đúng cách, người nội trợ đã tự đặt lên bàn ăn những loại thực phẩm ẩn chứa nhiều chất độc gây hại cho chính những người thân trong gia đình. Ở nhiệt độ 5oC, các thực phẩm sau chỉ nên bảo quản trong thời gian nhất định:

- 1-2 ngày: thịt bò nghiền tươi, heo phi lê, xúc xích, nước lèo, gà đã chế biến (nguyên con, từng phần, đã chặt nhỏ), cá hồ, cá biển…

- 3-4 ngày: canh hoặc nước thịt hầm, pizza…

- 3-5 ngày: bò phi lê, xương heo, thịt ba chỉ, thịt chiên đã chế biến, kem…

- Sữa (năm ngày), phô mai (một tuần), phô mai tươi (hai tuần), bơ sữa (7-14 ngày), yaourt (7-10 ngày), kem yaourt (7-21 ngày)…

HOÀNG LAM tổng hợp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm