Giá cao của ô nhiễm (*)

Đây là một trong nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã chạm phải một nguyên tắc của chính phủ đã có từ ba năm trước (1972): Các doanh nghiệp gây ra những tổn hại vật chất cho các cá nhân hoặc gây thiệt hại về tài chính do ô nhiễm môi trường phải đền bù cho những thiệt hại này.

Gây ô nhiễm, đóng cửa và bồi thường hơn 67 triệu USD

Rắc rối của Chisso bắt đầu từ năm 1950 sau khi mở một nhà máy sản xuất acetaldehyde tại cảng đánh cá Minamata và bắt đầu xả thải vào vịnh Minamata. Một trong những chất thải có độc tính cao là hợp chất mêtyl thủy ngân (methyl mercury) đã đi vào chuỗi thức ăn từ các phiêu sinh vật vào cá nhỏ đến những loại cá lớn có mặt trong thành phần chủ yếu trong thực đơn hằng ngày của cư dân địa phương.

Vào năm 1953, ô nhiễm thủy ngân đã đạt đến mức nguy hiểm ở một số người, họ bắt đầu trải qua các triệu chứng liệt mà hiện nay được gọi là bệnh minamata. Rú lên vì đau đớn và trải qua những cơn co thắt, 106 công dân của Minamata đã chết trong thời gian một thập niên và nhiều nạn nhân khác trở nên mù, điếc hoặc mất trí.

Giá cao của ô nhiễm (*) ảnh 1

Sông Thị Vải bị ô nhiễm, một cái giá phải trả quá đắt đối với môi trường-xã hội khi doanh nghiệp xem thường pháp luật. Ảnh: MP

Năm 1963, sau khi các nhà khoa học xác định ngộ độc thủy ngân là nguyên nhân của tai nạn nói trên, chính quyền đã cấm đánh bắt cá tại vịnh và ra lệnh Chisso loại bỏ chất ô nhiễm ra khỏi chất thải của nhà máy. Sau đó không lâu, công ty đã ngừng sử dụng thủy ngân trong các quy trình công nghiệp của mình.

Một rắc rối khác khó khăn hơn là làm sao để đền bù cho những nạn nhân của bệnh minamata. Nhiều nạn nhân đã được Chisso đền bù theo lệnh của tòa án năm 1970. Nhưng theo một điều đã được biết về chính sách 3P (Polluter Pay for Pollution - người gây ô nhiễm phải trả tiền - ND), một nhóm nạn nhân khác đã chính thức kiện trước tòa và tòa án đã thụ lý đơn.

Kết quả, Chisso sau đó đã phải trả 67,3 triệu USD cho 793 nạn nhân. Do những trường hợp ít nghiêm trọng hơn được nhận dạng sau đó và có 2.700 nạn nhân được phát hiện vẫn được khám sức khỏe - Chisso sẽ có trách nhiệm đền bù thanh toán 60.000 USD/người. “Chúng tôi phải làm hết sức mình để trả, bất kể điều gì” - một quản lý của công ty hối hận nói.

Phát triển kinh tế là quyền hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền. Tuy nhiên, phát triển kinh tế có thể đem đến những tác động tiêu cực sâu rộng cho môi trường và con người nếu những biện pháp bảo vệ thích hợp không được thực hiện. Điều này áp dụng cho cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Hệ quả của hoạt động kinh tế không xem xét đến vấn đề bảo vệ môi trường sẽ dẫn đến những thảm họa khôn lường và chi phí khổng lồ cho môi trường và xã hội mỗi quốc gia.

Vụ cháy rừng hết 220 tỉ USD

Những cơn hạn hán khắc nghiệt khắp nơi (xấu nhất trong vòng 50 năm qua) đi cùng với hiện tượng El-Nino năm 1997, kết hợp với những đám cháy không kiểm soát được đã làm bùng lên những đám cháy kéo dài tại Indonesia, đã trở thành một trong những thảm họa môi trường lớn nhất ảnh hưởng không chỉ Indonesia mà cả khu vực.

Chi phí môi trường và xã hội của thảm họa này gồm những gì? Ước tính có 4,5 triệu ha rừng bị đốt cháy, khói mù bởi các đám cháy bao phủ hơn 3.200 km2 của sáu quốc gia láng giềng, ảnh hưởng đến 70 triệu người. Hơn 40.000 người Indonesia mắc bệnh hô hấp. Các nhà máy, trường học, văn phòng và sân bay bị đóng cửa, ngành du lịch bị giảm sút thu nhập... Ít nhất có 19 khu vực cần được bảo vệ, trong đó có những khu rất phong phú về đa dạng sinh học bị thiệt hại. Các đám cháy đã gây ra những tác động kinh tế thảm khốc với chi phí ước tính ban đầu là 220 tỉ USD. Chi phí này chưa tính các chi phí như thiệt hại về sức khỏe, hoặc những mất mát trực tiếp do cháy rừng. Hơn nữa, khó tính cả chi phí về mất mát đa dạng sinh học và sự sụt giảm số cá thể của các loài do cháy rừng... Nghiên cứu cũng cho thấy có sự tăng lên về nồng độ của ôzôn, CO, NOx và khí thơm ở tầng đối lưu của khí quyển khi đám cháy diễn ra. Các khí phát thải từ đám cháy có thể ảnh hưởng lớn đến các phản ứng quang hóa trong tần đới lưu và khí hậu...

Năm 2006, nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận của New York, Viện Blacksmith (Blacksmith Institute), đã công bố nghiên cứu dựa trên khảo sát 300 địa điểm và đưa ra danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới. Norilsk ở Nga vốn là một thành phố có trại lao động khổ sai vào năm 1935 là một câu chuyện kinh hoàng với các lò nấu kim loại thải niken, đồng, chì, cadmium ra môi trường trong nhiều năm mà không hề có một biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Tại Dzerzhinsk, Nga, thành phố mà trong thời gian chiến tranh lạnh vốn là trung tâm sản xuất vũ khí hóa học, bao gồm khí độc sarin và mustar, tuổi thọ trung bình của đàn ông chỉ là 42 và phụ nữ là 47. Vũ khí hóa học được chôn ở tầng đất ngậm nước và cũng từ đây nước ngầm được khai thác và cung cấp làm nước uống cho cư dân địa phương. Giám đốc của Viện Balcksmith, ông Richard Fuller, nhận định: “Các vấn đề môi trường đã gây ra tỉ lệ hơn 20% cái chết tại các nước đang phát triển. Các chất độc trong môi trường đặt cư dân trong các đô thị vào rủi ro bị nhiễm độc, phát triển bệnh ung thư, nhiễm trùng phổi và gây ra vấn đề chậm phát triển về thần kinh ở trẻ em…”.

Bài học là rõ ràng! Chúng ta cần thấy ở đây không chỉ thiệt hại kinh tế do ô nhiễm môi trường mà còn là tương lai của quốc gia xét trên phương diện chất lượng giống nòi, là hệ quả của cách mà ngày hôm nay chúng ta sử dụng môi trường ra sao, nhận thức được hậu quả lâu dài gây ra đến sức khỏe cộng đồng như thế nào, trong đó trẻ em là đối tượng cần quan tâm nhiều nhất bởi vì các em sẽ là những người xây nên ngày mai của quốc gia. NSĐT (Theo Sở TN&MT TP.HCM)


(*) Mượn lời tựa bài báo của tạp chí Time ngày 17-3-1975 (http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,912986-2,00.html)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm