Giấc mơ ra khơi đã thành hiện thực

Sau hơn một năm triển khai cho vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 67/2014 (NĐ 67), nhiều ngư dân ở tỉnh Bình Thuận đã được tiếp cận với nguồn vốn vay. Tính đến nay huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã giải ngân gần 100 tỉ đồng với các loại tàu đóng mới có công suất 400-800 CV.

Đã giải ngân gần 100 tỉ đồng cho ngư dân

Ông Trần Văn Hai, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bình Thuận, cho hay để đạt được kết quả trên, đó là nỗ lực của nhiều ngành, từ UBND, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Thuận, Argibank Chi nhánh Bình Thuận… đến các cơ quan ban ngành cấp huyện, xã. Thực tế tổng số tàu cá được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới là 149 tàu. Trong đó, số tàu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản xa bờ 24 tàu; đóng mới tàu khai thác thủy hải sản xa bờ 92 tàu; nâng cấp, sửa chữa 33 tàu. Hiện tại đã có 36 tàu làm xong thủ tục cấp giấy phép đóng mới. 17 trường hợp đã được ngân hàng thẩm định, cam kết cho vay hợp đồng tín dụng tổng cộng 97,3 tỉ đồng, đã giải ngân được hơn 71 tỉ đồng; có chín chiếc đóng mới được hạ thủy và đi đánh bắt xa bờ.

Những con tàu được đóng mới theo “vốn 67” sẽ góp phần giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. 

Ông Phạm Văn Trịnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Thuận, kiêm Phó ban Chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản tỉnh Bình Thuận, chia sẻ: “Để hỗ trợ người dân tìm hiểu và tiệm cận nguồn vốn theo Nghị định 67 của Chính Phủ, phía NHNN Chi nhánh tỉnh Bình Thuận kết hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc trực tiếp với ngư dân. Ngoài ra, để ngư dân có thể tìm hiểu sâu hơn, bất cứ lúc nào chúng tôi cũng cung cấp danh bạ số điện thoại của những cán bộ được giao nhiệm vụ này. Nếu có chỗ nào chưa rõ, chưa hiểu, ngư dân điện thoại trực tiếp để chúng tôi giải đáp khúc mắc, từ đó họ có thể tiếp cận vốn ngân hàng”.

Nhiều con tàu đã hạ thủy

Anh Châu Minh Cương ở xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý cho biết cán bộ Ngân hàng Agribank hướng dẫn thủ tục từng bước một. “Ngân hàng bảo làm đến đâu chúng tôi làm tới đó. Lúc đầu cũng thấy hơi rắc rối vì lâu nay chúng tôi chỉ quen với biển nhưng rồi cũng đến ngày con tàu của tôi đã hạ thủy với công suất 500 CV. Tổng kinh phí đầu tư trên 5 tỉ đồng. Trong đó, Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện đảo Phú Quý  đã đứng ra cho vay 4 tỉ đồng theo chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất 1%/năm. Trước đây chỉ có ghe nhỏ, đánh bắt gần bờ, sản lượng cũng không nhiều nên tôi thường mơ ước có con tàu to hơn để đi ra xa hơn, đánh bắt được nhiều hơn. Khi nghe Chính phủ hỗ trợ ngư đân đóng tàu, tôi mừng quá… không ngờ mình được vay vốn và giờ đã có tàu. Giấc mơ ra khơi xa đã thành hiện thực” - anh Cương giãi bày.

Không chỉ anh Cương, mới đây vào đầu tháng 10, ông Nguyễn Văn Quáng ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận cũng đã hạ thủy tàu gỗ bọc composite giá gần 10 tỉ đồng. Điều đó cho thấy Nghị định 67 đã đi vào thực tiễn, nỗ lực của Agribank trên địa bàn đã góp phần không nhỏ giúp người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Riêng ở huyện Ninh Hải (Bình Thuận) đến ngày 31-10, Chi nhánh Agribank huyện Ninh Hải đã cho ngư dân vay đóng mới ba con tàu với tổng số tiền là hơn 32 tỉ đồng. Trong đó có hai tàu đánh bắt khai thác và một tàu hậu cần. Một tàu cá đã hạ thủy, hai con tàu còn lại dự kiến lần lượt hạ thủy trong tháng 12 và trung tuần tháng 1-2016.
Ông ĐINH THẾ MẪN, Giám đốc Agribank huyện Ninh Hải

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm