Hành động đúng vì tương lai xanh

Tháng Tư hàng năm, cư dân TP.HCM lại có dịp tham dự Ngày hội tái chế chất thải do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM tổ chức. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, thu hút đông đảo người dân TP tham gia.

Thu gom để tái chế

Năm 2016 là năm thứ 9 Ngày hội tái chế chất thải được tổ chức. Với chủ đề Sản xuất và tiêu dùng bền vững, ngày hội là dịp để chúng ta nhận thức nhiều hơn về ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất xanh. Song song đó là cải thiện lối sống, tiêu dùng hàng ngày để xã hội, môi trường ngày càng phát triển bền vững hơn.

Theo kế hoạch, ngày hội sẽ diễn ra từ 7 giờ sáng ngày 10-4 tại Cung Văn hóa Lao động (quận 1, TP.HCM). Tham gia chương trình, cư dân TP được thưởng thức nhiều hoạt động sôi nổi, có ý nghĩa như triển lãm Sức sống mới từ phế thải do các em học sinh thực hiện; gian hàng triển lãm công nghệ, dịch vụ, sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các bạn còn được hướng dẫn chế tạo sản phẩm hữu ích từ phế liệu; trao đổi đồ cũ nhằm khuyến khích tái sử dụng, giảm thiểu phát sinh chất thải... Ngay từ bây giờ, bạn hãy thu thập các loại chất thải nguy hại có trong nhà như pin đã qua sử dụng, bóng đèn hư cũ, vỏ chai lọ đựng hóa chất nguy hại... và mang đến ngày hội để xử lý an toàn. BTC cũng sẽ thu gom các chất thải có thể tái chế như vỏ chai PET, bao bì nhựa, giấy phế liệu, vỏ hộp sữa...

Người dân tham gia đổi chất thải nguy hại tại Ngày hội Tái chế chất thải lần 8 năm 2015. Ảnh: NGỌC CHÂU 

Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh

Theo thông tin từ tổ chức Liên Hiệp Quốc, sản xuất và tiêu thụ bền vững đề cập đến việc thúc đẩy sử dụng nguồn tài nguyên, năng lượng hiệu quả; cơ sở hạ tầng bền vững. Việc thực hiện mục tiêu này giúp đạt kế hoạch phát triển tổng thể, giảm chi phí kinh tế, môi trường, xã hội... Sản xuất và tiêu dùng bền vững đòi hỏi sự phối hợp của các bên, bao gồm cả doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà hoạt động chính sách, nhà nghiên cứu, bán lẻ, truyền thông... Điều đó cũng đòi hỏi quy trình làm việc chặt chẽ từ khâu sản xuất, các tác nhân trong chuỗi cung ứng đến người tiêu dùng cuối cùng.

Dưới đây là những con số liên quan đến sản xuất và tiêu dùng, bạn có thể ngẫm nghĩ thử xem chúng ta đã làm và nhận thức đúng hay chưa:

·       Mỗi năm, có khoảng một phần ba thực phẩm sản xuất trên toàn thế giới, tương đương 1,3 tỷ tấn, khoảng 1.000 tỷ USD “kết thúc cuộc đời” trong thùng rác. Hoặc chúng có thể bị hư do vận chuyển và thu hoạch kém.

·       Nếu mọi người trên toàn thế giới chuyển sang bóng đèn tiết kiệm năng lượng thì chúng ta sẽ tiết kiệm được 120 tỷ USD mỗi năm.

Nước:

·       Trong số gần 3% lượng nước có thể uống được trên toàn thế giới thì 2,5% là ở băng cực. Nhân loại chỉ dựa vào 0,5% còn lại để sử dụng sinh hoạt, sản xuất, duy trì sự sống.

·       Hơn 1 tỷ người vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch.

·       Sử dụng nước sạch hoang phí góp phần làm căng thẳng về khan hiếm nước.

Năng lượng:

·       Mặc dù con người đã có những tiến bộ về công nghệ, thúc đẩy tăng năng lượng hiệu quả nhưng sử dụng năng lượng ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD (*) được dự đoán sẽ tiếp tục tăng thêm 35% vào năm 2020.

·       Năm 2002, các phương tiện di chuyển có gắn động cơ tại các nước thuộc OECD là 550 triệu chiếc. Trong đó 75% là xe cá nhân. Dự đoán con số này sẽ tăng 32% vào năm 2020.

·       Các hộ gia đình tiêu thụ 29% năng lượng toàn cầu và góp tới 21% lượng khí thải CO2.

Thực phẩm:

·       Tác động đáng kể về môi trường thường xảy ra trong giai đoạn sản xuất nhưng các hộ gia đình cũng tạo ảnh hưởng thông qua sự lựa chọn và thói quen ăn uống.

·       Mỗi năm, 3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí trong khi gần 1 tỷ người bị suy dinh dưỡng.

·       Khai thác quá mức tài nguyên đất, nước, suy thoái môi trường góp phần làm giảm nguồn tài nguyên để cung cấp thực phẩm.

(*) OECD hiện có 34 thành viên là các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, như: Anh, Canada, Hoa Kỳ, Phần Lan, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm