Hạt nêm “không bột ngọt” lại có “siêu bột ngọt”!?

Thời gian gần đây trên thị trường đã xuất hiện một loại hạt nêm được quảng cáo là hạt nêm “không bột ngọt”. Sự thật là sản phẩm này có bột ngọt hay không? Các chiêu thức PR và quảng cáo để đẩy sản phẩm này như thế nào? Chỉ có những người trong cuộc mới biết rõ...

Từ các bài PR “Hạt nêm không bột ngọt”

Để tung ra sản phẩm hạt nêm “không bột ngọt”, ngay từ đầu tháng 6-2008, trên một số tờ báo giấy và báo điện tử và gần đây nhất là hai bài báo được đăng bằng hình thức PR với tiêu đề “Sự thật về bột ngọt trong hạt nêm”. Các bài viết này đều dùng một phương pháp là sử dụng bác sĩ để nói những vấn đề không hoặc chưa đúng về bột ngọt và nhất là bột ngọt trong hạt nêm nhằm gây hoang mang cho người tiêu dùng khi ăn các loại bột nêm trên thị trường. Trong bài viết “Sự thật về bột ngọt trong hạt nêm” có đề cập đến ba chất điều vị 621, 627 và 631 kèm lời giải thích về ba chất này như sau: “621: tên hóa học là Monosodium Glutamate là bột ngọt; 627: tên hóa học là Sodium Guanilate, không là bột ngọt hay liên quan đến bột ngọt; 631: tên hóa học là Sodium Inosinate, không là bột ngọt hay liên quan đến bột ngọt. Cả ba chất này đã được ủy ban hỗn hợp FAO/WHO đánh giá kỹ và cho dùng làm chất điều vị”.

Như vậy, trong bài viết đã nói rõ: “Cả ba chất này đều được các tổ chức trên thế giới đánh giá kỹ và đều nằm trong nhóm chất điều vị an toàn theo danh mục các chất phụ gia thực phẩm cho phép dùng trong thực phẩm do Bộ Y tế Việt Nam ban hành”. Thế nhưng đọc hết các bài viết này ta sẽ thấy rõ việc trả lời phỏng vấn lại lập lờ, nói xấu chất điều vị 621 (tức bột ngọt); hoặc lại nói rằng: “Chất điều vị 627 và 631 không phải là bột ngọt hay liên quan đến bột ngọt”.

Theo tài liệu “Sinh hóa ứng dụng” của GS-TS Đồng Thị Thanh Thu - giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) có đoạn nói rõ: “Bên cạnh bột ngọt còn có một chất được gọi là siêu bột ngọt. Từ năm 1913, học trò của tiến sĩ Ikeda là ông Komada đã phát hiện ra tính chất đặc trưng của vị Umami trong Disodium 5’-Inosinate (IMP) là một chất có trong khô cá nhảy. Nhiều năm sau ông Kuninaka cũng khám phá ra một chất có hương vị cực kỳ quan trọng trong loại nấm Shiitake khô đó là chất Disodium 5’-Guanylate (GMP). Ông Kuninaka nhận thấy rằng nếu trộn bột ngọt với 5’-ribonucleotide thì sẽ được một chất có vị ngọt gấp 10 lần so với bột ngọt thông thường. Đó chính là siêu bột ngọt. Từ năm 1960, loại siêu bột ngọt đã chính thức được giới thiệu và tiêu thụ trên thị trường”.

“Siêu bột ngọt”: Độ ngọt gấp 10 lần bột ngọt thường

Trên bao bì của loại hạt nêm được quảng cáo là “không bột ngọt” có nêu rõ thành phần ngoài các chất bột, đường, nước, muối còn có chất điều vị 627 và 631 mà dân trong nghề sản xuất thực phẩm đều biết là chất “I+G”, đó chính là “siêu bột ngọt” có vị ngọt gấp 10 lần bột ngọt thông thường. Đây là một chất tăng vị được sử dụng trên toàn thế giới.

Vấn đề đặt ra là: Bản thân “bột ngọt” hay “siêu bột ngọt” đều cùng nhóm chất điều vị (Flavour Enhancer) và được Tổ chức Y tế thế giới cho phép sử dụng và các nhà sản xuất thực phẩm đều có thể sử dụng nó trong sản phẩm của mình nhưng cần phải nói rõ điều đó với người tiêu dùng.

Với sản phẩm hạt nêm được nhấn mạnh là “không bột ngọt”, tức hàm ý nói không có 621. Nhưng hạt nêm này vẫn sử dụng chất điều vị 627, 631 tạo vị ngọt gấp 10 lần bột ngọt mà vẫn không nói rõ cho người tiêu dùng hiểu.

Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Viện phó Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), cho biết: “Chất điều vị 627 và 631 là chất siêu ngọt. Nếu đã ghi trong thành phần của sản phẩm có chất điều vị 627 và 631 mà lại quảng cáo đến người tiêu dùng là không bột ngọt là đã đánh lừa người tiêu dùng”.

THỦY NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm