Một ngày vây lưới bắt cá bên cạnh bãi rác Đa Phước

Từ 7 giờ sáng, đoàn chúng tôi lên chiếc canô chạy dọc dòng sông Cần Giuộc, len qua từng khóm dừa tươi đến gặp gia đình chú Lê Văn Tống (ngụ ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM), người chuẩn bị cất mẻ lưới thu hoạch cá tươi.

Từ sáng sớm, chú Lê Văn Tống và người thân bắt đầu bơm nước, giăng lưới

Chú Lê Văn Tống nay đã qua cái tuổi 60 nhưng lại gắn cuộc đời mình ngót nghét 40 năm bên sông nước. Với dáng người nhỏ thóm, đen bóng, chú Tống hô hào cùng người thân kéo mẻ cá trong tiếng cười giòn tan. Chú Tống kể, khu đất này trước làm lúa nhưng thất thu, cho đến khi chuyển qua nuôi cá mới khá lên được. Thế nhưng, bây giờ người ta cũng bỏ nghề hết, họ chọn những nghề ít cực khổ hơn quanh vùng đất này, chỉ còn chú và vài ba hộ còn bám cái nghề nuôi cá ven con sông này.

Nước đã cạn và bắt đầu thu lưới, bắt cá

Để thu được những mẻ cá nặng trĩu này chú và người nhà phải rút nước ở đầm cá ra sông lớn cho đến khi cạn nước, phơi đáy bùn, lúc này cá mới tập trung vào một chỗ. Kế đó, lưới giăng và những người thân của chú Tống bắt đầu kéo lưới, bắt mẻ cá sau một năm chăm sóc. Chú bảo, năm nào trúng đậm thì được 2 tấn cá và còn tùy ông trời “thương mà thưởng cá”.

Trúng đậm cá

Điều bất ngờ và ấn tượng với chúng tôi đó là chứng kiến vùng đất đầy màu xanh của vườn dừa nước, những chú cá rô to tròn trĩnh vừa thu hoạch này… lại nằm sát bên cạnh Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS).

Đưa cá lên bờ

Vườn dừa nước và các vuông nuôi cá như gia đình chú Tống nằm ở phía Đông và cách Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước chỉ 150 m. Vươn tầm mắt ra xa là cả một đoạn sông màu hồng tươi bởi những khóm hoa súng đang nở rộ, và bầy cá vẫy vùng trong lưới… Anh Lê Văn Trung (con trai chú Tống) cười bảo: “Chúng tôi nuôi cá cỡ 40 năm ở ngay cạnh khu xử lý rác này và nguồn nước ở đây cũng bình thường. Cá, tôm (mà tôm ở đây là tôm càng) tự nhiên, nhà tui hổng có thả nuôi và chúng khỏe re hà… Mà cá tôm sống được tức là nguồn nước cũng tốt phải không?”.

Anh Lê Văn Trung (con trai chú Tống) cười sảng khoái khi thu hoạch được tôm càng xanh

Nắng lên dần, chú Tống và gia đình mình vẫn tiếp tục miệt mài thu hoạch bên mẻ lưới nặng. Cô Phan Thị Bé (vợ chú Lê Văn Tống) hồ hởi bên từng sọt cá, ánh lên một niềm vui về cái tết sắp đến, đủ đầy cho gia đình.

Phân loại cá tôm thu hoạch được, chuẩn bị mang ra chợ

Nắng lên quá ngọn rừng dừa nước, chúng tôi lần theo con sông trở về Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, gặp anh Nguyễn Trung Hiếu (nhân viên vận hành nhà máy), nghe giải thích: “Sở dĩ, nguồn nước nơi đây an toàn cho việc nuôi trồng thủy sản, là vì bờ sông được bao dọc bởi bờ đê sỏi đỏ vòng quanh bãi rác, ngăn không cho nước rác tràn ra sông.

Từ vuông cá nhà chú Tống sẽ nhìn thấy bãi rác Đa Phước nằm liền kề

Với mục tiêu tái sử dụng nước nên nguồn nước trong Khu Liên hợp xử lý chất thải trước khi thải ra sông đều phải đi qua quá trình xử lý sinh học, có máy quan trắc tự động kiểm tra và đo đạt các thông số, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và sức khỏe của bà con nhân dân vùng đất nơi đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm