Những lỗi thường gặp trong thi công

Những lỗi thường gặp trong thi công ảnh 1

Một gia đình, một mái ấm đẹp luôn là niềm ước mơ của bao bạn trẻ.

Hỏi: Mẹ tôi đang xây lại căn nhà ở quê. Khi xuống xem công trình, tôi thấy thợ cứ trộn đại xi măng và cát vào với nhau. Họ chỉ ước chừng tỉ lệ chứ không thấy đo đếm cụ thể, cả khi xây lẫn khi tô đều thế cả. Như vậy liệu có đảm bảo không?

Đáp: Tùy vào mục đích sử dụng và loại xi măng mà tỉ lệ trộn xi măng và cát sẽ khác nhau. Ở đây, chúng tôi hướng dẫn cách sử dụng xi măng “Holcim đa dụng” để bạn có cơ sở tham khảo. Nên sử dụng thùng (xô) để có thể đo được tỉ lệ trộn thích hợp. Tỉ lệ dành cho xây: một thùng xi măng + bốn thùng cát. Tỉ lệ dành cho tô (trát): một thùng xi măng + năm thùng cát.

Hỏi: Không hiểu sao sau khi trát vữa, bề mặt tường nhà tôi có dấu hiệu bong tróc. Mới xây mà đã vậy thì không biết rồi nhà có bền không?

Đáp: Bề mặt tường bị bong tróc, rạn nứt là dấu hiệu của những lỗi thường gặp khi trộn và thi công vữa (vữa được trộn từ xi măng, cát và nước). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên:

Do sử dụng cát mịn có nhiều tạp chất. Trong cát có đất sét, sạn hoặc các chất bẩn khác có thể sẽ ảnh hưởng đến công trình. Bạn nên dùng cát sạch, hạt to. Có thể dễ dàng xác định được cát chất lượng bằng cách lấy một vốc cát rồi nắm tay lại. Các chất bẩn sẽ dính lại vào lòng bàn tay.

Trộn vữa không đúng tỉ lệ. Nếu dùng quá ít xi măng hoặc nhiều cát thì cũng có thể gây nên hiện tượng bong tróc, rạn nứt. Do đó cần chọn tỉ lệ trộn thích hợp (tham khảo câu trả lời trên).

Trộn vữa không đều, thường thêm nước trộn khi thi công. Để khắc phục phải trộn đều hỗn hợp cho đến khi đủ độ dẻo.

Ngoài ra cần chú ý tưới ẩm tường gạch trước khi tô, dưỡng ẩm mặt vữa sau khi tô và không sử dụng vữa đã trộn sau hai tiếng đồng hồ.

Hỏi: Vợ chồng tôi có một con gái bốn tuổi. Sắp tới chúng tôi xây nhà, khi làm cầu thang nên lưu ý những gì để đảm bảo sự an toàn cho bé?

Đáp: Tiêu chuẩn về cầu thang trong nhà ở đã được Bộ Xây dựng quy định trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (ban hành theo Quyết định số 09 ngày 6-6-2008). Theo đó, lan can của cầu thang phải đảm bảo chiều cao tối thiểu là 1,1 m. Đối với những gia đình có trẻ em dưới năm tuổi như gia đình bạn, độ rộng giữa các thanh lan can không vượt quá 10 cm. Mỗi bậc thang trong nhà ở phải đảm bảo chiều cao tối đa không quá 19 cm và chiều rộng tối thiểu 25 cm...

Ngoài ra, theo quan niệm kiến trúc cổ truyền, cầu thang không chỉ đơn giản là đường lên xuống mà còn là đường dẫn khí của căn nhà từ thấp lên cao. Số bậc cầu thang thường được tính theo vòng lặp: Sinh - Lão - Bệnh - Tử, đôi khi còn được gọi là: Thành - Bại - Hủy - Diệt. Với vòng lặp này, số bậc của cầu thang được tính theo công thức N: 4 dư 1, nghĩa là tổng số bậc cầu thang (N) trong một vế thang (một loạt bậc thang xếp liền nhau) sau khi trừ đi 1 phải chia hết cho 4. Bạn có thể xem chi tiết trong mục “Nhà ở - Những điều cần biết” trên trang web: www.cungxaytoam.com.vn.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm