Ô nhiễm không khí, nguyên nhân hàng đầu của bệnh hen suyễn

Nhân Ngày hen suyễn toàn cầu (10-5), một cuộc hội thảo đã diễn ra tại TP.HCM nhằm cảnh báo và đề ra những biện pháp kiểm soát bệnh hen suyễn ở mức thấp nhất.

TP.HCM - thủ đô của hen suyễn?!

Theo kết quả hai cuộc điều tra về bệnh hen suyễn vùng châu Á-Thái Bình Dương (gồm 12 nước, trong đó có Việt Nam) được tiến hành vào năm 2000 (AIRIAP 1) và 2006 (AIRIAP 2) cho thấy bệnh nhân hen suyễn của cả vùng vẫn còn phải chịu các triệu chứng ho, khò khè, khó thở ban ngày, thức giấc ban đêm, vẫn cần cấp cứu hay nhập viện vì bị giới hạn hoạt động, thậm chí nghỉ học, nghỉ làm.

Đối với TP.HCM, nghiên cứu về hen suyễn và dị ứng ở trẻ em toàn cầu (ISAAC 2004) cho thấy có đến 29,1% trẻ em 12-13 tuổi bị khò khè (cao nhất châu Á và gấp đôi so với nước đứng thứ nhì). Vì vậy tác giả Christopher Lai đã cho rằng: TP.HCM là thủ đô của hen suyễn (!?). Đây là một thực trạng đáng buồn khi chúng ta đã có được những phương tiện chẩn đoán và điều trị hen tiên tiến nhất, PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan - CT Hội Hô hấp TP.HCM phát biểu.

Theo PGS-TS Tuyết Lan, hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính của đường hô hấp, trong đó ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu. Đã có nhiều bài viết về tình trạng ô nhiễm không khí ở thành phố do khói xe nhưng bên cạnh đó, việc xây dựng tràn lan, không đảm bảo vệ sinh và chậm tiến độ cũng góp phần không nhỏ.

Ngoài ra, việc sử dụng nhang, than tổ ong, các hóa chất có mùi thơm, máy làm mát bằng hơi nước và đặc biệt là hút thuốc lá trong nhà đã thường xuyên kích thích đường hô hấp làm phát bệnh và lên cơn suyễn. Bên cạnh đó, việc quá tải ở các bệnh viện, có nơi chỉ có 121 giây cho mỗi bệnh nhân, đã ngăn cản việc chẩn đoán, điều trị, theo dõi không đúng đối với bệnh nhân hen suyễn. Đặc biệt, bệnh nhân suyễn phải dồn lên tuyến trên vì các thuốc điều trị ngừa cơn suyễn vẫn chưa có trong danh mục bảo hiểm y tế tuyến quận.

Việc cập nhật kiến thức, trang bị dụng cụ, máy móc cho các bác sĩ cũng chưa được đều khắp ở các quận, huyện TP.HCM và các tỉnh bạn. Bên cạnh đó, bệnh nhân hen suyễn cũng chưa tuân thủ chặt chẽ việc sử dụng thuốc đúng liều, chưa tái khám đúng hẹn, chưa kiêng cữ đúng mức. Hậu quả không chỉ dừng ở việc chỉ có 1% bệnh nhân hen được kiểm soát, vẫn còn bệnh nhân hen suyễn chết trong năm 2008 này, PGS-TS Tuyết Lan đưa ra cảnh báo.

Cần cải thiện gấp ô nhiễm không khí

Tại hội thảo, PGS-TS Tuyết Lan đề nghị các cơ quan chức năng phải quyết liệt và nhanh chóng giảm thiểu ô nhiễm không khí. Được biết, gần đây các nhà khoa học đã có nhiều đề xuất gắn bộ phận lọc khí cho xe gắn máy, kiểm soát tuổi thọ của các xe, tăng cường mạng lưới chuyên chở công cộng, sử dụng khẩu trang có màng lọc, giám sát chặt chẽ vệ sinh và tiến độ các công trình. Bên cạnh việc hen suyễn gia tăng, ung thư phổi hiện là ung thư hàng đầu gây chết cho nam giới Việt Nam cũng có một phần là hậu quả của ô nhiễm không khí này.

Nói về mức độ ảnh hưởng của hen suyễn khi môi trường bị ô nhiễm, PGS-TS Tuyết Lan cho biết: “Theo tìm hiểu, ở những nơi có xây một cây cầu, một con đường, sau khi xây dựng xong, y như rằng số người dân ở khu vực đó bị hen suyễn tăng lên rõ rệt!”.

Ngoài ra phải cải thiện mạng lưới quản lý hen suyễn. Chết do hen suyễn là vô cùng đáng tiếc, không những vì bệnh nhân thường là đang độ tuổi lao động hoặc là học sinh mà còn vì hầu hết những cái chết này có thể tránh được. Việc cải thiện chất lượng quản lý hen còn đòi hỏi việc giảm tải ở các bệnh viện. điều này chỉ có thể được giải quyết bằng cách tăng cường năng lực hoạt động ở các tuyến cơ sở, nhất là tuyến quận, thậm chí tuyến phường.

Với tần suất cao và sẽ không ngừng gia tăng, với những hậu quả, tổn thất đáng kể về mặt kinh tế trước những cái chết oan uổng lẽ ra có thể tránh được do hen suyễn gây ra, TP.HCM nói riêng, cả nước ta nói chung nên xếp hen suyễn vào một bệnh ưu tiên của quốc gia, PGS-TS Tuyết Lan đề nghị.

Hy vọng những chính sách của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM sẽ nhận được sự ủng hộ của Tổ chức Y tế thế giới, các hội chuyên ngành, các trường ĐH, bệnh nhân và cả xã hội. Nếu được như vậy, kiểm soát hen suyễn tại Việt Nam sẽ không đứng lại ở con số 1% đáng buồn như hiện tại và quan trọng hơn, nhiều sinh mạng sẽ không bị tước đi khi sức sống đang tràn đầy.

Ảnh hưởng hen suyễn lên các bệnh nhân (theo điều tra của AIRIAP 2):

- Triệu chứng: Ban ngày (bốn tuần qua): 54%; thức giấc ban đêm (bốn tuần qua): 47%; triệu chứng xuất hiện khi vận động: 40%; thức giấc ban đêm ít nhất một lần/tuần: 25%.

- Nhu cầu chăm sóc y tế của bệnh nhân trong một năm qua: Nhập viện điều trị: 13%; cấp cứu khoa cấp cứu: 21%; cấp cứu tại các cơ sở y tế: 25%.

- Giới hạn hoạt động: Hoạt động thể thao: 51%; hoạt động thường ngày: 41%; sự lựa chọn nghề nghiệp: 32%; hoạt động xã hội: 34%; công việc nhà: 26%.

- Nghỉ làm, nghỉ học do hen: Người lớn: 29%; trẻ em: 42%.

Trong thời gian qua, Trung tâm Chăm sóc hô hấp BV Đại học Y Dược TP.HCM đã quản lý 16.044 bệnh nhân hen suyễn. Áp dụng phương pháp điều trị hen suyễn tiên tiến nhất hiện nay (GINA) do Tổ chức Y tế thế giới và Viện Tim-Phổi-Huyết học Hoa kỳ đề xuất. Kết quả có gần 94% bệnh nhân hết triệu chứng sau 2-4 tuần điều trị.

PHI NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm