Phân, nước và dinh dưỡng cho lan kiểng

Bạn cần biết rằng, ngoài phân bón và nước tưới, lan kiểng phải được bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng đạm, lân, kali cũng như các nguyên tố vi lượng khác như: Ca (calci), Mg (magiê), S (sunphua)...

Luôn bổ sung đạm, lân, kali

Đạm giúp cho sự tăng trưởng của cây (nhất là ở lá) và hô hấp cho lan. Cây phong lan thiếu đạm sẽ cằn cỗi, yếu, không xanh tươi và lá nhỏ, hơi vàng. Còn lân rất cần cho sự quang hợp, giúp cho việc tăng cường sự chuyển hóa năng lượng, giúp cây nhanh ra rễ, nẩy mầm khỏe và sớm có hoa. Thiếu lân, phong lan sẽ kém tăng trưởng, cây nhỏ, sức đề kháng kém, lá xanh pha tím, rễ ít, chậm ra hoa. Còn kali đảm bảo sự vận chuyển nước và các chất dinh dưỡng trong cây, luân lưu sự điều hòa như quang hợp, phân hóa tế bào, làm cho cây dự trữ được chất dinh dưỡng. Nếu thiếu kali, cây ngừng phát triển, khô dần, lá úa vàng, dễ rụng.

Hiện nay, do việc nuôi trồng phong lan đã công nghiệp hóa, do đó rất nhiều cơ sở sản xuất đã pha sẵn các dung dịch dinh dưỡng để bón cho cây. Trong đó chủ yếu gồm N, P, K cùng với các nguyên tố vi lượng bổ sung thích hợp.

Chăm lan như chăm trẻ

Theo ý kiến của một số cửa hàng hoa ở đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM), cây phong lan từ nhỏ đến trưởng thành có cách chăm tưới khác nhau. Do đó, tùy theo tuổi của lan mà việc gia giảm tỷ lệ của đạm, lân và kali sẽ thay đổi. Lan kiểng dưới ba tháng tuổi sẽ tăng đạm, giảm lân và kali, mỗi tuần tưới một lần. Lan 4-10 tháng tuổi thì dùng theo công thức N = 3, P = 1, K = 1 (ví dụ: 10 g N + 3 g P + 3 g K pha trong 10 lít nước và cứ 15 ngày tưới một lần, có thể pha loãng một nửa và tưới tuần/lần). Phong lan 10-16 tháng tuổi dùng theo công thức N = 2, P = 2, K = 2, kết hợp pha thêm nguyên tố vi lượng. Phong lan từ 16 tháng tuổi trở lên cho đến khi ra hoa dùng công thức N = 1, P = 2, K = 3 kết hợp với nhiều nguyên tố vi lượng hơn.

Khi phong lan đã trưởng thành (nhất là các loài phong lan rừng giai đoạn sinh trưởng khá dài) có thể dùng các loại phân hữu cơ. Thông dụng có thể dùng nước tiểu (pha thật loãng 1/20 và mỗi tuần tưới hai lần); phân các loài động vật (bò, heo...) ngâm trong nước cho thật mục, lọc lấy nước rồi tưới cho cây (một phần phân hòa với 30 phần nước). Phân chuồng rất giàu các chất N, P, K cùng với các nguyên tố vi lượng cần thiết. Phân bò tươi có tác dụng ủ mát và kích thích rễ phong lan phát triển.

Phân heo có thể bón cho phong lan trồng ở chậu lớn; vừa phân vừa nước tiểu heo có tác dụng rất lớn đến sự tăng trưởng của rễ. Tuy nhiên chỉ nên dùng mỗi tháng một lần; đối với phong lan mới trồng thì nên pha nồng độ thật loãng (một phần phân với 100 phần nước). Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng bánh dầu (bã đậu phộng ép khô) và các xác bã động vật (tôm, cá, lông gà, vịt). Các chất hữu cơ này đều ngâm trong nước cho lên men. Để ít ngày cho thật hoại và hết mùi thối. Lọc lấy phần nước, pha loãng rồi dùng.

Kỹ thuật tưới phân, nước

Dù dùng loại phân nào thì cách tưới cho lan cũng rất quan trọng. Dùng nhiều quá một loại, lịch tưới quá dày hay quá thưa cũng không tốt cho cây phong lan. Thời gian tưới tốt nhất trong ngày là buổi sáng sớm hay buổi chiều, không nên tưới vào buổi trưa. Tuyệt đối không tưới phân vào lúc có mưa. Thời gian cách nhau để tưới phân cũng hết sức quan trọng và phải tưới phân từ nồng độ thấp tăng dần lên nồng độ cao. Sau khi tưới phân cần theo dõi xem xét hình dạng ngoài cây phong lan để điều chỉnh lượng phân tưới. Trung bình chỉ nên tưới phân mỗi tuần một lần (tùy thuộc vào mùa mưa hay mùa khô, tùy thuộc vào nơi ít nắng hay râm mát). Xen kẽ với các ngày tưới phân cần bổ sung các ngày tưới nước cho hợp lý.

Nước tưới phong lan chỉ cần nước sạch, không mặn, không lợ là được. Tuy nhiên, tốt nhất nên dùng nước mưa vì độ pH rất phù hợp với rễ phong lan còn non. Sau đó có thể dùng đến nước giếng, nước ao hồ, sông, rạch (chú ý độ pH và độ sạch của nước). Cuối cùng, phổ thông và tiện lợi nhất vẫn là dùng nước máy, chỉ cần chú ý đến độ clo trong nước (để nước trong hồ chứa hay bể vài ngày để bay hết clo).

Cách tưới nước cũng khá quan trọng. Tốt nhất dùng vòi với các lỗ nhỏ và tưới vọt lên cao, hạt nước nhỏ li ti theo gió rơi nhẹ xuống cả cây phong lan. Một số người có thói quen nhúng ngập đến miệng chậu phong lan vào chậu nước lớn. Làm như vậy nước thấm đều vào trong từng kẽ than, kẽ gạch và ướt hết cả sơ dừa. Tuy nhiên, vì nhúng nhiều chậu phong lan rồi mới thay nước, bệnh cây dễ lây từ cây này sang cây nọ. Hơn nữa, nước nhiều sẽ dội rửa và trôi hết dinh dưỡng.

Nguyên tắc tưới nước là tưới theo kiểu thấm đều, tránh dội nước ào ào. Tưới nước cũng nên làm vào buổi sáng và giữ cho làn được ẩm ướt suốt cho đến chiều mới phải tưới bổ sung. Vào mùa khô, nếu trồng phong lan nơi có độ nóng cao, nên làm ẩm ướt toàn bộ môi trường xung quanh, đừng tưới riêng cho cây phong lan vì hơi nóng xung quanh sẽ phả vào làm khô cây lan. Lượng nước tưới tùy thuộc theo mùa. Đặc biệt, trong mùa mưa phải đón giờ mưa để tránh khỏi mất công vừa tưới nước vừa làm cây bị ngập úng.

PHI NGUYỄN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm