Quy trình xử lý tiêu chảy cấp

Quy trình xử lý

Đối với bệnh nhân:

Cách ly bệnh nhân, điều trị tại chỗ, tránh vận chuyển xa để hạn chế sự lây lan và chết dọc đường. Khẩn trương bù nước, điện giải và dùng kháng sinh đặc hiệu theo đúng phác đồ quy định. Tất cả các bệnh nhân tiêu chảy cấp trong ổ dịch phải được xử lý như đối với bệnh nhân tả.

Phân và chất thải của bệnh nhân phải được tiệt trùng bằng vôi bột hoặc Cloramin B. Nhà tiêu của gia đình bệnh nhân và các gia đình trong khu vực có dịch phải xử lý triệt để bằng vôi bột...

Môi trường ô nhiễm xung quanh khu vực bệnh nhân phải được xử lý bằng Cloramin B hoặc vôi bột mỗi tuần 1-2 lần và liên tục trong vòng 3-5 tuần. Quần áo, chăn màn của bệnh nhân phải nhúng, dội nước sôi hoặc ngâm vào dung dịch Cloramin B 1%-2% để trong hai giờ trước khi đem giặt hoặc nước Javel 1%-2%...

Dụng cụ của bệnh nhân cũng phải được khử khuẩn bằng các hóa chất trên. Nền nhà, tường nhà phun dung dịch Cloramin B 5% với liều lượng 0,5 lít/m2. Phương tiện chuyên chở bệnh nhân phải sát trùng tẩy uế bằng Cloramin B 5%.

Tử thi bệnh nhân tả phải được liệm trong quan tài có vôi bột hoặc Cloramin B, bọc thi thể bằng vải ngăn không thấm nước, chôn cất sớm và phải chôn sâu 2 m hoặc hỏa thiêu.

Đối với người tiếp xúc:

Theo dõi tất cả những người đã ăn uống chung, phục vụ, ở chung với bệnh nhân tả trong vòng năm ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối cùng. Những người trong gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế trực tiếp phục vụ và những người có tiếp xúc trực tiếp khác, những người cùng ăn với bệnh nhân loại thực phẩm nghi ngờ có liên quan nên được điều trị dự phòng bằng kháng sinh càng sớm càng tốt, phác đồ điều trị dự phòng như sau:

Đối với người lớn, dùng nhóm fluoroquinolon: Ciprofloxacine 500 mg x 2 viên; hoặc Norfloxacin 400 mg x 2 viên; hoặc Ofloxacin 400 mg x 1 viên; uống một lần duy nhất; hoặc Azithromycin 20 mg/kg cân nặng, uống một lần duy nhất; hoặc Cloramphenicol 30 mg/kg cân nặng, uống một lần duy nhất.

Đối với trẻ em dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai, đang cho con bú: Azithromycin 20 mg/kg cân nặng, uống một lần duy nhất. Nếu không có sẵn các thuốc trên, có thể dùng: Erythromycin 1 g (trẻ em 40 mg/kg cân nặng), uống một lần duy nhất; Doxycyclin 100 mg x 3 viên uống một liều (dùng trong trường hợp vi khuẩn còn nhạy cảm).

Xử lý nguồn nước ăn, nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh ăn uống:

Thực hiện các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch. Dùng clo để khử trùng nước sinh hoạt cho nhân dân. Chỉ dùng nước đã khử trùng clo hay đun sôi để uống. Nước ăn, rửa bát đĩa và các đồ đựng thực phẩm phải bằng nguồn nước đã khử trùng bằng clo và không bị nhiễm bẩn sau đó.

Ở các vùng nông thôn cần kiểm soát các nguồn nước giếng ăn, nước sông, ngòi, ao, hồ dùng để ăn và rửa thực phẩm. Cần xử lý nước ăn và nước sinh hoạt bằng Cloramin theo đúng nồng độ quy định.

Xử lý vệ sinh môi trường:

Tuyên truyền cách tự phòng bệnh như ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, tiết canh, nước đá, mắm ruốc, mắm tôm, hải sản chưa chín kỹ... và vệ sinh cá nhân. Đặc biệt là rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Hạn chế hội họp, hạn chế tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin. Tổng vệ sinh, thu gom rác, diệt ruồi. Nghiêm cấm phóng uế bừa bãi, vận chuyển và sử dụng phân tươi.

Kiểm tra chặt chẽ các cửa hàng ăn uống, giải khát, đặc biệt là những nơi chế biến thức ăn, nhà máy nước để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh công tác phòng chống dịch tả.

Phòng bệnh

Tuyên truyền giáo dục cộng đồng các kiến thức và biện pháp vệ sinh phòng bệnh tiêu chảy, tập trung vào bốn khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ nguồn nước, dùng nước sạch; nhanh chóng báo cáo khi có người bị tiêu chảy cho cơ sở y tế gần nhất.

Với nguồn thực phẩm, bên cạnh việc xây dựng tập quán ăn chín, uống nước chín, cần tăng cường việc thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Vận động nhân dân không ăn rau sống, gỏi thịt cá, mắm tôm, hải sản chưa chín kỹ...

NSĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm