Rau “siêu tốc” - biết tin vào ai?

Được mệnh danh là “thần dược” giúp rau phát triển siêu tốc, người dân ở các thành phố lớn lâm vào một tâm trạng hoang mang cao độ không lối thoát.

Người dân không còn dám mua rau ngoài chợ về ăn, mặt khác họ tự hỏi liệu những gì đã ăn trong những ngày trước đây có nguy hại mức nào đến sức khỏe hay không.

Một số người tỏ ra “thông minh” và đã đi đến kết luận là phải ăn các loại như su hào, củ cải... khiến cho giá cả của các loại rau ăn củ tăng vọt trong khi các loại rau ăn lá bị ế đến mức các hộ nông dân trồng rau ven các đô thị lớn phải hoảng hốt.

Trước tình hình như vậy, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã phối hợp với một số đơn vị khác phun thử nghiệm loại thuốc này tại đồng rau sạch, rau an toàn trên địa bàn phường Giang Biên (quận Long Biên). Thí nghiệm công phu có nhiều ban ngành tham gia được thực hiện một cách nghiêm ngặt trên bốn luống rau xà lách được phun bốn loại thuốc kích thích sinh trưởng khác nhau, gồm: Vimogroen (thuốc trong danh mục cho phép sử dụng), GA3, HVP GA3 và 920 (đều là thuốc ngoài danh mục cho phép) và một luống rau đối chứng không phun thuốc.

Thí nghiệm được thực hiện từ ngày 31-1 đối với rau xà lách đã 25 ngày tuổi. Với một dụng ý khoa học và để người dân cả nước trực tiếp theo dõi, toàn bộ thí nghiệm được thực hiện dưới sự giám sát nghiêm ngặt của các lực lượng bảo vệ và hình ảnh ruộng rau được liên tục phát trên truyền hình Việt Nam.

Sau đúng 12 ngày (hôm 12-2), lãnh đạo Chi cục Bảo vệ thực vật trở lại vườn rau để kiểm tra kết quả và kết quả là “thông tin về một loại thần dược như báo chí đã đưa tin trước đó chỉ là tin đồn”.

Người dân đã hoang mang, nay lại càng hoang mang hơn nữa. Các phương tiện truyền thông đại chúng như báo Vietnamnet và truyền hình đã đưa tin về “thần dược hai ngày”, nay lại chính họ khẳng định đấy chỉ là tin đồn nhảm. Toàn bộ uy tín khoa học của cơ quan có trách nhiệm như Chi cục Bảo vệ thực vật chỉ ngang ngửa với việc nhờ vào màn hình và nói “nhìn thấy chưa”. Một vài người thì xì xào bàn luận về tính khoa học của thí nghiệm “liệu có thể được gọi là khoa học một khi 12 ngày vừa qua là 12 ngày rét đậm, rét hại, không có ánh mặt trời”.

NSĐT (Theo vnmedia.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm