Sinh con to, tai biến cho trẻ và mẹ

Nhiều bậc cha mẹ quan niệm sinh con to, nặng ký thì sẽ rất tốt, sau này trẻ sẽ phát triển hơn những đứa trẻ sinh bình thường khác. Tuy nhiên, bác sĩ (BS) Đặng Lê Dung Hạnh, Bệnh viện Hùng Vương, cho biết sinh con to sẽ gặp những tai nạn khó lường ở trẻ và cả người mẹ nếu không theo dõi và sinh đúng cách. Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với BS Dung Hạnh xung quanh vấn đề này:

. Thưa BS, nguyên nhân vì sao một số phụ nữ sinh con to lớn khác thường?

BS Đặng Lê Dung Hạnh, Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: D.TÍNH- BS Dung Hạnh: Có ba nguyên nhân khiến phụ nữ sinh con to lớn khác thường: vấn đề dinh dưỡng cao; phụ thuộc vào gien di truyền và người mẹ thuộc nhóm sinh con to. Tuy nhiên, có một nhóm đặc biệt khác, đó là phụ nữ bị bệnh đái tháo đường trước và trong thai kỳ, thai nhi sẽ tích hợp lượng đường có sẵn từ người mẹ. Chúng tôi hay ví von đứa trẻ như “chuột sa hũ nếp” hay là “công tử bột” vì nó hưởng thụ lượng đường có sẵn của mẹ.

. Những tai nạn thường gặp khi sinh con to?

- Có nhiều tai nạn: Đối với đứa trẻ, nếu không theo dõi cho sinh mổ mà sinh bằng đường dưới sẽ dẫn đến tai biến do bị kẹt, sinh lâu và nghẹt thở, có thể chết. Đứa trẻ to phần vai và ngực sẽ đầy, bắt buộc phải giảm đường kính của nó mới cho ra được. Tự bản thân đứa trẻ vận động cuốn người sẽ dẫn đến gãy xương đòn, cộng thêm khi chúng ta dùng sức kéo ra sẽ làm gãy xương cánh tay của trẻ. Quan trọng nhất là trẻ dễ bị tổn thương vùng cổ, làm giãn dây thần kinh. Hậu quả là trẻ sẽ bị yếu tay, liệt tay và phải tập vật lý trị liệu rất lâu.

Đối với người mẹ, khi sinh con to mà lỡ chọn hướng sinh bình thường thì sẽ bị rách rất nhiều ở vùng dưới, phải may nhiều và phức tạp. Một khi người mẹ đã cố gắng rặn con ra, sẽ có nguy cơ bị vỡ tử cung, gây mất máu, không xử lý kịp thời sẽ mất mạng. Tiếp theo đó, người mẹ sẽ phải bị mổ để cầm máu, cắt tử cung và không thể sinh con được nữa. Dù tử cung được giữ lại cũng không thể sinh con tiếp được.

. Đứa trẻ khi sinh ra to lớn có thông minh, khỏe mạnh hơn đứa trẻ bình thường không?

- Một đứa trẻ khi mới sinh đã to lớn mà không phải vì mẹ bị tiểu đường hay một bệnh lý gì khác thì nó sẽ khỏe và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.

Nhưng một đứa trẻ to lớn vì mẹ bị tiểu đường, khi sinh ra sau 24 giờ đồng hồ, nó không thể đáp ứng kịp với môi trường và tự tích hợp dinh dưỡng, đứa trẻ sẽ bị hạ đường huyết (đói), gây xỉu và hôn mê. Nếu không can thiệp kịp thời, trẻ có thể chết. Tình trạng này thường xảy ra ở các vùng quê, người mẹ thấy con thiếp đi nên cứ tưởng con ngủ nhưng thật ra trẻ đang mệt đừ, hôn mê vì đói.

Về lâu dài, những đứa trẻ này có thể bị vàng da sinh lý, nặng hơn là vàng da vì bệnh lý. Từ đó, một số em sẽ gặp trục trặc về vấn đề dinh dưỡng như béo phì, suy dinh dưỡng, nghiêm trọng hơn là rối loạn dậy thì khi lớn lên.

. Như vậy, lúc thai nhi trong bụng mẹ sẽ theo dõi bằng cách nào?

- Theo dõi mẹ tăng cân trong lúc mang thai (tăng bình thường 12-15 kg), nếu là người gầy ốm hay song sinh thì phải tăng nặng hơn. Tiếp đến là đo bụng mẹ và đánh giá qua các lần siêu âm để đo đường kính. Tuy nhiên, tính bằng những cách trên cũng xảy ra sai số, em bé càng lớn thì sai số càng cao. Chỉ cần đánh giá sai một tí thì cũng gây khó khăn khi cho sinh.

Có nhiều bà mẹ đến lúc sắp sinh rồi mới chạy đến bệnh viện, trong người không có một loại giấy tờ gì liên quan đến thai nhi nên khi cho sinh dẫn đến những sai số không phát hiện kịp, dẫn đến những tình trạng đáng tiếc.

. Biện pháp khống chế được việc sinh con to ngoài mong muốn?

- Người mẹ phải đi khám thai thường xuyên, phải đi khám một nơi nhất định để bác sĩ theo dõi và phát hiện sớm bệnh đái tháo đường. Trường hợp người mẹ mang bầu to, bác sĩ sẽ nghi ngờ đái tháo đường, cho thử nước tiểu và xét nghiệm máu. Nếu người mẹ thật sự bị đái tháo đường thì bác sĩ sẽ khuyên ăn theo chế độ dinh dưỡng. Sau đó, nếu không hết, bác sĩ sẽ dùng thuốc khống chế lượng đường trong người mẹ. Cuối cùng, bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của thai nhi để có quyết định cho sinh thường hay sinh mổ.

Con to, theo y khoa là từ 3,5 kg trở lên. Nhưng gần đây, do vấn đề dinh dưỡng quá tốt thì trẻ từ 4 kg trở lên mới được gọi là con to. Tuy nhiên khi khám, các bác sĩ sẽ đánh giá thể tạng người mẹ để xác định đó là con to hay nhỏ.

DUY TÍNH thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm