Tái chế giấy để bảo vệ môi trường

Đầu tháng 12-2009, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam phối hợp với Tetra Pak Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế về “Tái chế bao bì giấy đã qua sử dụng”. Các diễn giả đến từ Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam cùng bàn luận về lợi ích mang lại cho môi trường, xã hội thông qua việc tái chế giấy.

Bảo tồn rừng tự nhiên

Khi đốn hạ cây trong rừng để lấy gỗ sản xuất giấy, ngành công nghiệp giấy đã trồng rừng khác để thay thế. Tuy nhiên, đây không phải là rừng bảo tồn mà là rừng nguyên liệu để sản xuất bột giấy và giấy. Nhu cầu về giấy tăng càng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ rừng tự nhiên thành rừng sản xuất.

Việc khai thác gỗ có thể làm cạn kiệt rừng tự nhiên vốn là nguồn tài nguyên không thể tái sinh. Nếu tăng cường trồng rừng để làm nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất giấy, nhiều ảnh hưởng tiêu cực, bất lợi sẽ xảy ra đối với chất lượng nước, tính đa dạng sinh học, môi trường sống của động, thực vật hoang dã và tính toàn vẹn của hệ thống sinh thái rừng tự nhiên. Dù có phục hồi rừng, nhiều giá trị sinh thái của rừng tự nhiên cũng không thể phục hồi.

Tái chế giấy để bảo vệ môi trường ảnh 1

Việt Nam chưa có nền công nghiệp tái chế giấy từ rác giấy đã qua sử dụng.

Bắc Mỹ là nơi mà phần lớn gỗ có thể dùng để sản xuất giấy. Chỉ trong vòng chưa đầy 50 năm (từ 1953 đến 1999), diện tích rừng lá kim tự nhiên ở Bắc Mỹ giảm hơn một nửa (từ 72 triệu ha xuống còn 33 triệu ha). Trong khi đó, rừng cây lá kim được trồng để phục vụ sản xuất lại tăng từ 2 triệu ha lên 32 triệu ha, dự kiến đạt 54 triệu ha vào năm 2040. Dẫn chứng này cho thấy sự tổn thất nặng nề của rừng tự nhiên. Bởi rừng cây lá kim được trồng phục vụ sản xuất tuy lớn nhanh nhưng không thể cung cấp nơi sống hoang dã cho muông thú và bảo tồn tính đa dạng sinh học như rừng tự nhiên.

Khi tái chế giấy, lượng gỗ phải chặt hạ để sản xuất bột giấy sẽ giảm. Nhờ đó, việc tái chế giấy giúp giữ lại được rừng, giảm áp lực chuyển đổi rừng tự nhiên và các khu vực nhạy cảm về sinh thái như đầm lầy thành rừng sản xuất. Việc tái chế giấy giúp giữ gìn toàn bộ giá trị mà hệ thống sinh thái rừng cung cấp, bao gồm nước sạch, môi trường sống của muông thú và tính đa dạng sinh học.

Giảm lượng phát thải CO2

Hằng ngày, con người hít O2, thải CO2, còn cây cối có khả năng hấp thụ CO2. Tuy cây ít tuổi hấp thụ CO2 nhanh hơn cây già nhưng cây già lại có khả năng tồn trữ rất nhiều CO2. Khả năng trữ CO2 của cây già giúp giảm sự tập trung của khí nhà kính trong khí quyển. Khi một cây xanh được chặt hạ để sản xuất giấy, CO2 tồn trữ trong cây có cơ hội thoát ra ngoài. Nếu tái chế giấy, tần suất đốn hạ cây lấy gỗ để sản xuất giấy sẽ giảm, đồng thời tổng lượng CO2 trữ trong cây sẽ tăng.

Nếu không tái chế giấy, giấy đã qua sử dụng bị chôn vùi trong các bãi chôn lấp, phân hủy trong đất và tạo thành methan vốn là một thành phần độc của khí nhà kính. Từ các bãi chôn lấp, khí nhà kính thoát ra gồm methan và CO2. Methan là loại khí có năng lực bẫy nhiệt gấp 21 lần CO2, là một loại khí nhà kính mạnh và góp phần làm thay đổi khí hậu toàn cầu. Theo Tổ chức Môi trường EPA của Mỹ, các bãi chôn lấp rác là nguồn thoát khí methan lớn ra ngoài khí quyển.

Tái chế giấy giúp giảm lượng giấy cần chôn lấp, từ đó giảm được khí nhà kính thoát ra từ giấy phân hủy trong bãi chôn lấp. Một lượng giấy không cần đốt bỏ hoặc vùi trong bãi chôn lấp còn giúp làm giảm ô nhiễm không khí và nước, đồng thời tiết kiệm được một diện tích đất lớn sử dụng vào việc chôn rác. Ngoài việc giảm phát thải khí nhà kính, tái chế giấy đã qua sử dụng có thể cắt giảm sự phát sinh của các khí độc khác như oxid nitrogen (tạo nên sương khói) và các chất hạt (sinh ra các bệnh về đường hô hấp).

Giảm chất thải rắn

Giấy đã qua sử dụng nếu được tái chế sẽ giúp giảm thiểu trực tiếp chất thải rắn. Giấy có thể tái chế tới sáu lần trước khi chôn lấp hoặc đốt bỏ. Nếu chỉ sử dụng giấy một lần rồi vứt đi, năm lần sử dụng còn lại của giấy đã bị lãng phí. Cùng một tờ giấy nhưng nếu tái chế tới sáu lần, lượng chất thải rắn đương nhiên sẽ giảm so với một tờ giấy chỉ sử dụng một lần. Khi giảm được chất thải rắn, diện tích đất dùng để chôn lấp giấy đương nhiên cũng giảm theo.

Giảm nước thải, cải thiện chất lượng nước

Lượng nước thải là một sự đo lường có ý nghĩa về môi trường. Lượng nước thải cho hai chỉ số, gồm lượng nước mới cần dùng trong sản xuất và mức độ ảnh hưởng của nước thải ra môi trường. Vì thế, lượng nước thải thường được quy định rất chặt chẽ.

Sản xuất giấy từ bột nguyên sẽ cần nhiều nước, gây lãng phí nguồn tài nguyên nước, nhất là trong thời kỳ hạn hán hoặc mùa màng khô kiệt. Sản xuất giấy từ bột nguyên cũng thải nhiều nước hơn sản xuất giấy từ việc tái chế giấy. Nước thải từ việc sản xuất giấy bằng bột nguyên dù đã qua quá trình xử lý vẫn còn chứa nhiều độc tố hơn sản xuất giấy bằng cách tái chế giấy.

(Còn tiếp)

P.NGUYỄN - HOÀNG LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm