Tập đoàn Mai Linh (MLG): Xây dựng 106 trạm dừng chân dọc quốc lộ

Ngoài phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi cho khách đi đường, các trạm dừng chân còn là điểm du lịch lý thú, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương nơi nó tọa lạc.

Dự án đầu tư xây dựng 106 trạm dừng chân (TDC) trên các tuyến quốc lộ của Tập đoàn Mai Linh (MLG) đã khởi động từ năm 2006. Đến nay có hai trạm ở Cà Ná (Ninh Thuận) và Tiền Giang đã khai thác. Công trình TDC mang tên “Việt Nam giang sơn cẩm tú” tại Lao Bảo (Quảng Trị) cũng đã được khởi công với vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc MLG, cho biết đến năm 2012 các TDC của Mai Linh sẽ được đưa vào hoạt động.

. Thưa ông, vì sao MLG chọn đầu tư xây dựng các TDC?

Tập đoàn Mai Linh (MLG): Xây dựng 106 trạm dừng chân dọc quốc lộ ảnh 1Ông Hồ Huy: MLG là tập đoàn kinh tế đa ngành, lấy kinh doanh vận tải làm mũi nhọn. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các tiện ích phục vụ giao thông lại chưa đáp ứng tương xứng: xe khách chạy đường dài nhưng lại thiếu nơi dừng chân nghỉ ngơi cho tài xế và hành khách; nhiều vụ tai nạn xảy ra chỉ vì tài xế ngủ gục do quá mệt mỏi. Đó là chưa nói nạn “cơm tù” vẫn thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, Chính phủ chủ trương đến năm 2010 sẽ định hướng đầu tư vào dịch vụ giao thông vận tải và du lịch. Chủ trương đã chỉ rõ sự cấp thiết phải hình thành các trạm dừng chân dọc các tuyến đường bộ với các tiện ích như bãi đỗ, bảo dưỡng xe kết hợp ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi, du lịch, mua sắm...

Đầu tư xây dựng các TDC, chúng tôi muốn góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, tăng độ an toàn cho hành khách. Đặc biệt, nó còn là điểm nhấn để phát triển các tour du lịch nội địa và tuyến du lịch quốc tế trong tương lai.

Dự án xây dựng 106 TDC của MLG vừa góp phần tạo ra các tiện ích giao thông công cộng hiện đại và phát triển giao thông, vừa tạo công ăn việc làm và cơ hội kinh doanh cho người địa phương. TDC không chỉ phục vụ riêng cho hệ thống kinh doanh của Mai Linh Express mà còn phục vụ cho tất cả hành khách, các hãng xe...

. Ngoài phục vụ nghỉ ngơi, TDC có nét gì hấp dẫn để thu hút khách hàng?

+ Xây dựng các TDC tiêu chuẩn quốc tế phục vụ phát triển vận tải hành khách đường bộ là dự án được Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ VN nghiên cứu. JICA cũng sẽ tài trợ xây dựng 2-3 TDC kiểu mẫu ở phía Bắc. MLG cũng chọn những điểm dừng chân mà JICA đã nghiên cứu để đầu tư.

Mỗi TDC của MLG có diện tích tối thiểu từ 4 ha đến hàng chục ha với kinh phí xây dựng 2-3 triệu USD. TDC sẽ có bãi đậu, khu bảo dưỡng, rửa xe, trạm xăng, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, vui chơi giải trí... để đáp ứng mọi nhu cầu của hành khách. Ngoài ra, mỗi TDC còn là một công trình văn hóa về đất nước và con người Việt Nam gắn với nét văn hóa từng địa phương. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ tái hiện hình ảnh thu nhỏ của thành Thăng Long, cố đô Huế, chợ Bến Thành... Khách nước ngoài có thể dừng chân tham quan, tìm hiểu về văn hóa VN và những điểm du lịch nổi tiếng ở đây. Tùy từng nơi, TDC có thể kết hợp với phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe...

Tóm lại, mỗi TDC của Mai Linh không chỉ là nơi “nghỉ chân” đơn thuần mà nó còn là một điểm du lịch độc đáo, thú vị, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Nó là điểm nhấn và là dịch vụ gia tăng cho tour du lịch của các hãng lữ hành.

. Các TDC này được phân bố ra sao, thưa ông?

+ Chúng tôi dự kiến xây dựng hai loại trạm: trạm vừa có diện tích 1,2-2,4 ha, kinh phí dự kiến một triệu USD/trạm; trạm lớn có diện tích 2,5-10 ha, kinh phí khoảng bốn triệu USD. Các TDC lớn sẽ cách nhau 180-240 km; trạm vừa cách nhau 80-110 km.

. Dự án này đã triển khai đến đâu rồi?

+ Đầu năm 2007, chúng tôi đã khởi công xây dựng công trình TDC “Việt Nam giang sơn cẩm tú” tại Lao Bảo (Quảng Trị) với diện tích 4,5 ha, tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng. TDC ở Cà Ná (Bình Thuận) và ở Tiền Giang cũng đã đi vào hoạt động. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai dự án tại các địa phương khác trong cả nước.

. Ông có gặp trở ngại nào khi thực hiện dự án này không?

+ Có một trở ngại lớn về chính sách. Đó là việc xây dựng hạ tầng giao thông là chương trình mang lại lợi ích quốc gia nhưng MLG không được cấp đất, không được miễn thuế đất. Theo tôi, việc miễn thuế đất hiện nay là chưa công bằng, doanh nghiệp nhà nước thì được miễn thuế đất (công trình đầu tư cơ sở hạ tầng), còn doanh nghiệp tư nhân thì không. Ngoài ra, hiện ngành GTVT vẫn chưa có quy hoạch cụ thể mạng lưới quốc lộ, trong khi đó xây dựng TDC là việc làm lâu dài, kinh phí lớn, nếu xây dựng xong mà quy hoạch (mạng lưới giao thông) thay đổi thì dự án phá sản.

Đến nay đã có BOT cầu Phú Mỹ, Công ty đầu tư Viettel góp vốn và MLG đã ký hợp tác toàn diện với Viettel, Vinaconec, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển... để cùng thực hiện các dự án của MLG. Mới đây nhất, MLG đã ký hợp đồng hợp tác xây dựng với Tổng Công ty Xây dựng dầu khí. Theo đó, mỗi bên sẽ đầu tư 50% vốn để xây dựng các TDC của Mai Linh.

NSĐT thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm