Y học cổ truyền trong điều trị bệnh khớp

Kỳ này, xin giới thiệu ý kiến của BS CK1 Phan Hồng Điệp, Bệnh viện Y học cổ truyền (YHCT) TP.HCM về vai trò của YHCT trong điều trị bệnh khớp...

Theo BS Phan Hồng Điệp, điều trị bệnh khớp đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa điều trị nội khoa, vật lý trị liệu và điều trị ngoại khoa, đồng thời cần có quá trình theo dõi lâu dài do bệnh dễ tái phát.

Bệnh khớp bao gồm bệnh khớp do viêm và không do viêm; do nguyên nhân ngoài khớp và bệnh thấp khớp ngoài. Bệnh này làm giảm chất lượng cuộc sống, gắn liền với đau đớn, tật nguyền, mất việc làm. Triệu chứng rõ nhất đối với người bệnh là đau khớp - YHCT gọi đó là Chứng Tý với hai nghĩa: biểu hiện bởi sự đau tê, nặng tức ở cơ, xương và khớp; về bệnh lý là sự vận hành khí huyết ở kinh lạc bị bế tắc, BS Hồng Điệp nói.

Những khớp trên cơ thể dễ bị tổn thương.
Những khớp trên cơ thể dễ bị tổn thương.

Ba khí “Phong, Hàn, Thấp” phối hợp xâm nhập vào cơ thể tạo thành Chứng Tý. Trong ba khí đó, nếu Phong khí thắng là Hành Tý; Hàn khí thắng là Thống Tý; Thấp khí thắng là Chước khí. Nếu dương thịnh, nhiệt náu bên trong, bị nhiễm “Phong, Hàn, Thấp” tà, sau đó hóa nhiệt gọi là Nhiệt Tý. Nếu Hành Tý, Thống Tý, Chước Tý đau lâu ngày không khỏi, tà khí lưu lạc ở kinh lạc và chuyển hóa nhiệt cũng có thể trở thành Nhiệt Tý.

Ba khí “Phong, Hàn, Thấp” tùy theo mùa và xâm nhập sẽ gây bệnh cho phần cơ thể tương xứng:

- Mắc bệnh mùa đông gọi là Cốt Tý, điều trị chưa khỏi lại cảm nhiễm phục tà làm tổn thương đến thận, gọi là Thận Tý;

- Mắc bệnh mùa xuân là Cân Tý, điều trị chưa khỏi lại cảm nhiễm phục tà làm tổn hại đến Can, gọi là Can Tý;

- Mắc bệnh mùa hạ là Mạch Tý, điều trị chưa khỏi lại cảm nhiễm phục tà làm tổn hại đến Tâm, gọi là Tâm Tý;

- Mắc bệnh mùa thu là Bì Tý, điều trị chưa khỏi lại cảm nhiễm phục tà làm tổn hại đến Phế, gọi là Phế Tý.

Ba khí “Phong, Hàn, Thấp”, khí nào trội sẽ có biểu hiện khác nhau; đau là do Hàn khí nhiều, di chuyển là do Phong khí, ứ đọng là do Thấp khí nhiều. Nếu Chứng Tý phạm thẳng vào tạng sẽ chết. Nếu lưu niên ở khoảng gân xương thì lâu khỏi. Nếu chỉ ở khoảng bì phu thì nhanh khỏi.

Chữa Phong trước tiên phải chữa huyết, huyết lưu hành thì phong sẽ tự diệt. Chữa phong phải tán, chữa hàn phải ôn, chữa thấp phải kiện tỳ. “Phong, Hàn, Thấp” xâm nhập được vào cơ thể là do suy nên cần phải bổ khí huyết.

Theo Trung Hoa y học:

- Hành Tý tán Phong là chính, khu Hàn trừ Thấp là phụ, gia thêm thuốc hoạt huyết;

- Thống Tý tán Hàn là chính, sơ Phong trừ Thấp là phụ, gia thêm thuốc ôn;

- Trước Tý trừ Thấp là chính, khu Phong tán Hàn là phụ, gia thêm thuốc kiện tỳ;

- Nhiệt Tý thanh nhiệt giải độc là chính, khu Phong trừ Thấp là phụ.

Do đó, Chứng Tý chính là khu Phong, tán Hàn, trừ Thấp, thanh nhiệt, bổ khí huyết, hoạt huyết kiện Tỳ, bổ can thận. Giảm đau trên bệnh nhân viêm chu vai (đau quanh khớp vai thể Phong hàn và Phong nhiệt) bằng phương pháp xoa ấn huyệt tại chỗ sau sáu lần sẽ khỏi.

Theo GS Thạch Quan Đồng, Đại học Trung y dược Thượng Hải, tỷ lệ mắc bệnh khớp ở tuổi 40 chiếm 10%-17%; trên 60 tuổi là 50% và trên 75 tuổi chiếm đến 80%. Hậu quả chung của bệnh này là bị tàn phế (chiếm 53%) hoặc phổ biến nhất là bị hạn chế vận động và khó khăn trong đi đứng, trong đó tập trung nhất và nặng nhất là khớp gối, khớp bàn tay.

Theo BS Phan Hồng Điệp, đa số bệnh nhân thuộc nhóm bệnh khớp không do viêm và bệnh thấp ngoài khớp đã được được điều trị xoa ấn, kích thích huyệt tại chỗ hoặc dùng thuốc có nguồn gốc thảo dược, có chứa tinh dầu, alkaloid, saponin, glucozit... đều giảm đau, kháng viêm, ức chế miễn dịch và sinh kháng thể. Đồng thời, có tác dụng trấn thống, trừ phong thấp, bổ Can Thận theo học cổ truyền. Không chỉ vậy, hầu hết các bệnh nhân đều giảm đau, cải thiện vận động khớp và an toàn hệ tiêu hóa. Có thể thấy việc ứng dụng YHCT trong điều trị kết hợp giữa lâm sàng và cận lâm sàng; sự kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân rất quan trọng đối với bệnh khớp và luôn mang lại những hiệu quả tích cực.

PHI NGUYỄN lược ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm