15 người chết, thiệt hại ban đầu khoảng 600 tỉ vì lũ

Ngày 18-12, tại huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi), đường Trường Sơn Đông đã sạt lở ở 16 điểm với khối lượng khoảng 34.000 m3, làm cho đường về xã Sơn Bua và Sơn Long bị tê liệt.

Sạt lở nhiều nơi

Trên huyện miền núi Ba Tơ, tuyến đường giao thông Ba Dinh - Ba Bích cũng bị sạt lở. Đất đá từ núi lở đã ập xuống Trường Mầm non Gò Non, thôn Nước Lô, xã Ba Giang.

Ở huyện miền núi Minh Long, mưa lũ kéo dài, tuyến đường từ trung tâm xã Long Môn về thôn Làng Ren đang thi công cũng bị sạt lở nặng, ước khoảng 30.000 m3, gây chia cắt thôn này với vùng trung tâm xã.

Khu vực miền núi huyện Tư Nghĩa sạt lở núi ở Nghĩa Thọ với khối lượng khoảng 10.000 m3 đất làm cho tuyến đường Nghĩa Thọ (huyện Tư Nghĩa) đến Hành Dũng (Nghĩa Hành) bị chia cắt. 

Khối lượng đất đá sạt lở quá lớn nên sẽ phải mất nhiều ngày giao thông mới thông suốt. Đó là chưa kể theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, từ ngày 18 đến 20-12, Quảng Ngãi sẽ có mưa lớn nên vùng sạt lở có nguy cơ sạt lở thêm.

Tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương vùng lũ dồn lực khắc phục hậu quả sau lũ, quan tâm đến đời sống của người dân vùng lũ, tạo điều kiện để người dân sớm ổn định lại cuộc sống.

Lũ lớn gây ngập sâu nhiều xã ở huyện Từ Liêm (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng

Tan hoang vườn mai ở Huế

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, bước đầu toàn tỉnh có hơn 521 ha hoa màu bị ngập úng, hoa cảnh bị ngập hoàn toàn, ước tính thiệt hại 100%.

Ghi nhận tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), xã Phú Mậu, Phú Dương (huyện Phú Vang), nhiều vườn hoa màu của người dân vẫn còn chìm trong biển nước. Các hộ nông dân buộc phải thu hoạch sớm cây con, cây còn quá nhỏ thì đành bỏ mặc trong dòng nước bạc.

Bà Phan Thị Thanh (thôn La Vân Hạ, xã Quảng Thọ) nói: “Nhà tôi trồng 2,5 ha hoa màu các loại, đợt lũ đầu tháng đã làm hư hại khoảng 70%. Gia đình vừa kịp trồng lại thì nước lũ lại về làm hư hại toàn bộ vườn, chỉ còn một ít hành lá gia đình vừa thu hoạch nhưng do ngâm nước dài ngày nên cũng hư lầy hết”.

“Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 120-130 triệu đồng từ vườn hoa nhưng năm nay bị ngập, ảnh hưởng đến 70%, chắc không lấy lại tiền vốn nói chi tiền lời” - ông Tân nói.

Người dân cho biết hoa bị ngập nước trong khoảng ba ngày rễ sẽ thối hết và chết khi nắng lên. Dù cây có sống hoa cũng không thể đẹp được.

Trước tình trạng lũ chồng lũ ở Thừa Thiên-Huế, cuộc sống của người dân, đặc biệt là những người sinh sống chủ yếu nhờ vào vườn hoa màu đang đứng trước khó khăn chồng chất khi tết Nguyên đán đang đến gần.

Ngập lụt sâu, diện rộng vẫn diễn ra tại Bình Định

Báo cáo nhanh của các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và Gia Lai cho biết trong đợt mưa lũ từ ngày 12 đến 17-12 có 15 người chết (Huế: ba người, Bình Định: 11 người, Khánh Hòa: một người) và ba người mất tích.

Ước tính tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra là khoảng 608,44 tỉ đồng, trong đó: Huế: 81 tỉ đồng, Đà Nẵng: 20 tỉ đồng, Phú Yên: 74 tỉ đồng, Khánh Hòa: 55,94 tỉ đồng, Ninh Thuận: 300 tỉ đồng, Gia Lai: 77,52 tỉ đồng.

Ngày 18-12, theo Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung - Tây Nguyên (đóng tại TP Đà Nẵng), tình hình hồ chứa thủy điện (trong hệ thống EVN) tính đến 6 giờ ngày 18-12 có 14 hồ xả qua tràn, trong đó có ba hồ xả với lưu lượng trên 400 m3/giây. Cụ thể: Quảng Nam: Sông Tranh 2: 849 m3/giây, Phú Yên: Sông Hinh: 500 m3/giây, sông Ba Hạ: 4.500 m3/giây.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ trên sông Kôn (Bình Định) đang xuống. Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng vẫn tiếp tục diễn ra tại Bình Định; các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, từ Phú Yên đến Khánh Hòa giảm dần. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm