2.125 tỉ trồng cây cách ly bãi rác Đa Phước, Tây Bắc

Áp dụng công nghệ tái chế, làm phân compost, đốt 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% rác thải sinh hoạt”. Đây là một trong số nhiều chỉ tiêu được đặt ra trong kế hoạch của UBND TP.HCM về việc thực hiện chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X.

Theo kế hoạch này, 100% số bãi chôn lấp chất thải phải đáp ứng yêu cầu và hợp vệ sinh; thu gom và tái chế 50% túi nylon phát sinh trong sinh hoạt. Về nước thải, kế hoạch đặt chỉ tiêu thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn 100% nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp (kể cả ở các khu công nghiệp, khu chế xuất). Đặc biệt, 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường...

Để đạt được các chỉ tiêu trên, UBND TP đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các sở, ngành, quận, huyện, trong đó Sở TN&MT được giao thực hiện nghiêm các quy định về đánh giá tác động môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường đối với các quy hoạch, các dự án đầu tư có liên quan đến môi trường. Đồng thời ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm mới phát sinh.

Về việc xử lý rác thải sinh hoạt, Sở TN&MT phải xem xét, lựa chọn và thông qua chủ trương đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại với công suất từ 1.000 đến 2.000 tấn/ngày. Cạnh đó phải xây dựng, hoàn chỉnh vành đai cây xanh cách ly ở khu xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước (huyện Bình Chánh) với kinh phí khoảng 1.159 tỉ đồng, Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) với kinh phí khoảng 966 tỉ đồng. “Sở TN&MT tham mưu cho UBND TP đề ra biện pháp chế tài, đủ sức răn đe đối với các hành vi xả rác xuống kênh rạch, miệng cống thu nước” - kế hoạch nêu.

“Chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành đưa các ý tưởng, góp ý của các chuyên gia, trí thức doanh nhân kiều bào góp ý tại hội nghị kiều bào vừa tổ chức sớm ứng dụng vào thực tiễn để xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. Ông Nguyễn Trường Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, nói tại buổi họp mặt kiều bào Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước vào chiều 18-11.

Ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, cho biết sắp đưa vào sử dụng thêm nhà máy xử lý nước rỉ rác công suất 2.000 m3/ngày, nâng tổng công suất xử lý lên gần 3.300 m3/ngày. Nước thải sau xử lý sẽ đạt tiêu chuẩn quy định, được tái sử dụng cho sinh hoạt. “Về mùi hôi, nếu nói bãi rác không có là không đúng mà vấn đề là mức độ nào. Chúng tôi đang thuê một nhóm tư vấn độc lập để xác định cái nào đã làm tốt và cái nào có thể làm tốt hơn cho việc xử lý mùi, khử mùi… Tuy nhiên, để xử lý triệt để, tránh ảnh hưởng cho người dân xung quanh thì TP.HCM cần giải tỏa, thực hiện vành đai cây xanh theo quy hoạch” - ông David Dương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm