3,2 vạn hộ thiếu đất ở, tín dụng đen bủa vây

Theo ĐB Vượt, nhiều năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện có 118 chính sách đang có hiệu lực trực tiếp và 21 chương trình mục tiêu gián tiếp tác động đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi nên đời sống bà con được nâng lên, diện mạo bản làng thay đổi so với trước.

3,2 vạn hộ thiếu đất ở, tín dụng đen bủa vây ảnh 1
ĐBQH Đinh Duy Vượt, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

"Tuy nhiên, đồng bào miền núi vẫn là nỗi niềm của cả nước, tỉ lệ hộ nghèo còn cao khi chiếm 52,66% tổng số hộ nghèo cả nước. Thu nhập bình quân thấp, nhiều nơi chỉ bằng 40%-50% bình quân thu nhập khu vực.  21% người dân tộc thiểu số trên 15 tuổi chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt, học THPT chỉ đạt 42%, SV chưa có việc làm chiếm 64%, thất nghiệp trong thanh niên chiếm 5,76% gấp 2,5 lần mức trung bình của cả nước” - ông Vượt đưa các số liệu dẫn chứng.

Điều ĐB này tỏ ra lo lắng nhất là tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo ông, chỉ có giải quyết được vấn đề này thì mới giúp bà con giảm nghèo, giúp trật tự xã hội, an ninh chính trị của khu vực này ổn định.

Ông cho hay hiện có đến hơn 250.000 hộ đồng bào dân tộc thiếu sổ, miền núi thiếu đất sản xuất, trong đó riêng vùng Tây Nguyên chiếm đến gần 16.000 hộ.

Cả nước có gần 81.000 hộ thiếu đất ở thì riêng Tây Nguyên có đến 32.000 hộ thiếu đất ở. “Tình trạng này khiến không gian sinh tồn, không gian bảo tồn văn hóa cho các buôn làng, cộng đồng dân tộc thiểu số ngày càng thu hẹp” - ĐB Vượt nhấn mạnh.

Ông cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nước ta thiếu nguồn lực, trong khi đó nhiều chương trình mục tiêu quốc gia chồng chéo, trùng lặp gây lãng phí, không hiệu quả. Nhiều tuyến đường huyết mạch, công trình thủy lợi, đường vành đai thiếu vốn thực hiện…

Bên cạnh đó, ĐB Vượt cũng nêu lên hiện trạng khó khăn hiên nay mà đồng bào Tây Nguyên đang phải đối mặt đó là các sản phẩm chủ lực có giá trị xuất khẩu hàng tỉ USD của Tây Nguyên như hồ tiêu, cà phê đang rơi vào cảnh “mất mùa, mất cả giá”. “Cây tiêu chết hàng loạt, kéo thêm nhiều khoản nợ đẩy người sản xuất vào khốn khó” - ông nói.

Tại nghị trường, ông cũng lên án nạn tín dụng đen hoành hoành khắp cả nước trong đó có khu vực Tây Nguyên làm cho đời sống bà con nơi đây ngày càng bần cùng, túng quẫn.

“Đồng bào dân tộc với bản chất thật thà, khả năng thích nghi, đề kháng còn hạn chế, trong hoàn cảnh túng bẫn đã chấp nhận vay nhưng vay xong thì không có khả năng trả với xã hội đen. Điều này làm họ mất tư liệu sản xuất, mất đất, mất nhà, đẩy gia đình vào hoàn cảnh nghèo đói, tan cửa nát nhà, thậm chí cùng bần gây hậu quả lớn đến trật tự xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan tư pháp rất khó khăn trong việc xử lý vấn nạn này do các quy định hiện hành bất cập, vừa thiếu, vừa không chặt chẽ” - ông nhấn mạnh và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo hơn nữa để đẩy lùi tình trạng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm