54 doanh nghiệp đóng cửa vì nâng 3,5 km đường

Dự án chống ngập cho đường Kinh Dương Vương đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân, TP.HCM) dài khoảng 3,5 km thi công quá lâu, gây bụi... Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đóng cửa tạm ngưng kinh doanh sau một thời gian dài cứ chống cằm đợi khách, doanh thu sụt giảm nặng.

Nơi buôn bán cầm chừng, nơi đóng cửa

Theo ghi nhận của PV, dọc đường Kinh Dương Vương là nỗi ám ảnh về bụi, sỏi đá. Từ xa, khi chưa tới vòng xoay Phú Lâm (đoạn giao giữa đường An Dương Vương và Kinh Dương Vương) đã thấy bụi mù mịt, các phương tiện giao thông chen chúc nhau. Chỉ đi chưa hết đoạn đường bụi phủ kín quần áo, máy ảnh và tư trang.

Theo quan sát, đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến đường Tên Lửa đã được thảm nhựa nhưng phần còn lại, đoạn từ đường Tên Lửa kéo dài đến vòng xoay An Lạc vẫn lởm chởm đá dăm, bụi bay mù mịt. Cũng trên đoạn đường này, nhiều cửa hàng, tạp hóa, quán ăn, quầy thuốc, quán cà phê.... buôn bán ế ẩm, các chủ quán đeo khẩu trang buôn bán cầm chừng. Một số cửa hàng, công ty đóng cửa hoặc di dời sang địa điểm mới. Ông Trương Cao Lộc, chủ đại lý phân phối sơn cao cấp Thiên Phát (tại 413 Kinh Dương Vương), cho biết sau khi tuyến đường Kinh Dương Vương khởi công, việc buôn bán của ông rơi vào tình trạng ế ẩm, khách đến cửa hàng thưa dần rồi vắng hẳn. “Bản thân tôi khi ra cửa hàng cũng ngại vì bụi bặm, đường sá đi lại khó khăn huống gì khách hàng. Thấy việc buôn bán không khả quan nên tôi đóng cửa hàng, trả lại mặt bằng rồi về quê luôn”.

Bà Lê Thị Hồng Nga, chủ nhà trọ tại 388 Kinh Dương Vương, than vãn từ khi đường Kinh Dương Vương thi công doanh thu tụt giảm mạnh. “Hai căn nhà xưởng cho thuê gần đây đã trả mặt bằng, dọn đi hết vì họ sợ nước tràn vô nhà sau khi đường nâng. Còn dịch vụ cho thuê phòng trọ cũng không có khách khứa nên tôi làm đơn lên Chi cục Thuế quận Bình Tân xin miễn thuế từ tháng 6 đến nay” - bà Nga nói.

Tương tự, ông Mai Xuân Tuấn, chủ nhà trọ tại 342-344 Kinh Dương Vương, phường An Lạc A, rầu rĩ: “Nhiều tháng nay, nhà trọ của tôi giảm đến 80% lượng khách, bộ phận tiếp tân phải vừa đón khách vừa đeo khẩu trang vì quá bụi. Các phòng ngủ trên tầng ba, tầng bốn cũng kín bụi nên có khi ngủ vẫn phải đeo khẩu trang. Như thế thì khách nào chịu cho được”.

Xây bờ tường bít kín lối vào của một doanh nghiệp trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân. Ảnh: LÊ THOA

Thiếu sót của chủ đầu tư

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Thinh, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết sau khi tuyến đường Kinh Dương Vương thi công, quận nhận thấy có nhiều hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nên chỉ đạo UBND các phường An Lạc và An Lạc A, Chi cục Thuế quận rà soát lại các trường hợp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, quận yêu cầu Chi cục Thuế quận tham mưu về chính sách miễn, giảm thuế cho các hộ không kinh doanh, mua bán được do việc thi công nâng đường. “Theo báo cáo của Chi cục Thuế quận, tính đến thời điểm lập báo cáo (ngày 24-8), chi cục đã giải quyết được 54 hộ ở phường An Lạc và An Lạc A xin tạm ngưng kinh doanh với tổng số tiền thuế được miễn gần 195 triệu đồng” - ông Thinh nói.

Ông Mai Xuân Tuấn, chủ nhà trọ vừa nêu trên, cho biết từ tháng 6-2016, ông được miễn thuế, song việc miễn này không thấm tháp gì so với thiệt hại xảy ra trong thời gian thi công.

Ông Lê Văn Thinh chia sẻ với các ảnh hưởng trên và cho biết từ khi dự án khởi công đến nay, UBND quận Bình Tân liên tục có kiến nghị bằng văn bản, gửi đến chủ đầu tư (Trung tâm Chống ngập TP.HCM), Sở GTVT đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công dự án để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của người dân cũng như có chính sách hỗ trợ thỏa đáng.

Theo TS Phạm Sanh, cho dù dự án này mang tính chất công cộng nhưng quá trình thi công có gây ra thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp thì chủ đầu tư cũng phải bồi thường.

“Quá trình lập dự án phải tính toán đến các khoản chi phí này để có chính sách bồi thường cho sự tác động tạm thời trong quá trình thi công, xây dựng. Dự án nâng đường Kinh Dương Vương gây ra những ảnh hưởng lớn nhưng từ đầu đã không tính toán các khoản chi phí hỗ trợ, bồi thường. Đây là sự thiếu sót lớn của chủ đầu tư, của đơn vị tư vấn lập dự án. Các biện pháp mà quận Bình Tân thực hiện cũng chỉ là chữa cháy và việc dùng tiền ngân sách để hỗ trợ hay bồi thường trong trường hợp này là không đúng. Vì vậy, Trung tâm Chống ngập TP cần tính toán một khoản chi phí bổ sung để hỗ trợ, bồi thường cho những thiệt hại của người dân, doanh nghiệp” - TS Sanh đề nghị.

Ngoài chính sách hỗ trợ về thuế, quận còn hỗ trợ về thủ tục cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án. Quận cũng đề nghị UBND TP có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân sửa nhà nhưng chưa được chấp thuận.

Những chính sách này trước đây không được đưa ra, do dự án không giải tỏa nên quận không lên phương án bồi thường. Quận cũng không hình dung mức độ ảnh hưởng của dự án như hiện nay mà khi thực hiện mới thấy.

Thời gian qua, quận cũng chưa từng thực hiện các chính sách vừa nêu ở các dự án vì chưa có dự án nâng đường nào cao tới vậy. Theo đó, một số đường có nâng cũng chỉ từ 0,8 m đến gần 1 m nhưng được sự đồng thuận của người dân. Các khu vực này nhà cửa chưa nhiều, đường thường xuyên ngập nên khi nâng đường cũng không gây ảnh hưởng nhiều.

Việc nâng đường Kinh Dương Vương thì khác, do đường này đã hình thành hoàn chỉnh từ lâu, nằm trong khu dân cư hiện hữu, cuộc sống của người dân cũng đi vào ổn định. Vì vậy khi nâng đường quá cao đã gây ra các ảnh hưởng lớn.

Ông NGUYỄN MINH NHỰT,
Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân

________________________________

54 doanh nghiệp ở quận Bình Tân phải tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng bởi dự án nâng 3,5 km đường Kinh Dương Vương.

Dọc mặt tiền đoạn đường này có 539 hộ dân cùng 27 cơ quan nhà nước. Sau khi đường nâng, theo quận Bình Tân có 90% nhà dân bị thấp 0,5-1 m và có khoảng 525 hộ dân cần phải sửa, nâng nhà. Ngoài ra còn có 17 tuyến đường và 27 hẻm dọc đường Kinh Dương Vương cần nâng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy