64.000 tỉ giảm ô nhiễm ở TP.HCM

Mỗi sáng, người dân ở đường Nguyễn Phúc Nguyên, đoạn gần nhà ga xe lửa (quận 3, TP.HCM) thường bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối từ các phương tiện thu gom rác. Dù nơi này nằm ở khu vực trung tâm, dân cư đông đúc nhưng các phương tiện thu gom rác ở đây phần nhiều vẫn là xe lôi, xe ba gác nhếch nhác. Tình trạng này cũng khá phổ biến trên địa bàn TP.HCM.

Dẹp xe gom rác nhếch nhác

Tin vui cho người dân là theo kế hoạch, từ năm 2017, hình ảnh những chiếc xe lôi, xe ba gác chở rác nhếch nhác sẽ dần được thay bằng phương tiện hiện đại, hợp vệ sinh hơn. Đây cũng là một  trong những mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ  được TP.HCM tập trung giải quyết trong giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ tập trung vào ba mục tiêu quan trọng là kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm. Trong đó, việc thay thế các phương tiện thu gom rác nhếch nhác dự kiến sẽ thực hiện từ đầu năm 2017. “Sở TN&MT đang phối hợp với Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn chế tạo các mẫu xe thu gom rác hợp vệ sinh. Dự kiến trong tháng 12-2016, Sở sẽ trình UBND TP xem xét phê duyệt đề án này. Trong đề án sẽ có lộ trình thực hiện và phương án hỗ trợ tài chính cho chủ xe thu gom rác thô sơ” - ông Thắng nói.

Về giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác nói chung, theo kế hoạch vừa được UBND TP phê duyệt, đến năm 2020, lượng rác xử lý bằng công nghệ chôn lấp chỉ còn 60%. Ông Thắng cho biết hiện mỗi ngày TP.HCM phát sinh khoảng 7.500 tấn rác sinh hoạt, chủ yếu được xử lý bằng việc chôn lấp. “Để giảm lượng rác chôn lấp xuống 60% theo kế hoạch, hai nhà máy tại Khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc - Củ Chi sẽ tăng công suất tái chế. Cạnh đó, Sở TN&MT cũng sẽ kêu gọi đầu tư thêm các dự án xử lý rác bằng công nghệ hiện đại như công nghệ plasma, hoặc đốt rác có thu khí phát điện…” - ông Thắng cho biết thêm.

Đến năm 2020, 100% chất thải rắn phát sinh ở TP.HCM phải được thu gom, xử lý. Trong ảnh: Nhiều nơi vùng ven ở TP.HCM vẫn còn vấn nạn đổ, đốt chất thải trái phép.  Ảnh: TRUNG THANH

Đầu năm 2017, TP.HCM sẽ thay thế các xe thu gom rác thô sơ, ô nhiễm. Trong ảnh: Các phương tiện thu gom rác không đảm bảo vệ sinh.  Ảnh: TRUNG THANH

Giải quyết các điểm nóng ô nhiễm

Ông Thắng cho biết có bốn nhóm mục tiêu chính cần thực hiện được trong giai đoạn 2016-2020 là giảm ô nhiễm về nước thải và khí thải; giảm ô nhiễm về chất thải; cải tạo phục hồi các khu vực ô nhiễm. Cuối cùng là khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên hợp lý. Theo đó, TP.HCM cần huy động nguồn vốn hơn 64.000 tỉ đồng. Trong đó, để thu gom, xử lý hơn 80% lượng nước thải sinh hoạt đô thị, TP phải đầu tư hơn 51.000 tỉ đồng. “TP đang mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng. Dự án nhà máy xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lưu vực Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cũng đang trong quá trình xây dựng. Khi các nhà máy hoạt động, chất lượng nước kênh rạch trên địa bàn TP sẽ được cải thiện” - ông Thắng nói.

Về các điểm nóng ô nhiễm đang tồn tại như ô nhiễm bởi cụm cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư phường Đông Hưng Thuận (quận 12), khu vực bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), Gò Cát (quận Bình Tân)…, ông Thắng cho biết cũng đã có các giải pháp xử lý. Cụ thể, ô nhiễm do cơ sở sản xuất đan cài trong khu dân cư, TP đã có đề án di dời các cơ sở ra các khu công nghiệp. Các điểm ô nhiễm từ các bãi rác cũ thì thực hiện các giải pháp thu, khoan lấy rác tạo viên nén làm nguyên liệu đốt…

Riêng khu vực phía nam  TP, theo yêu cầu của Thành ủy do đây sẽ là vùng kinh tế trọng điểm trong tương lai nên vấn đề ô nhiễm cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Về việc kiểm soát ô nhiễm ở Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước, ông Thắng nói: “Trong thời gian tới, Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước cần phải được đầu tư xây dựng đồng bộ hơn về hạ tầng, giao thông, thoát nước và mảng xanh. Ngoài ra, công tác quan trắc, theo dõi về chất lượng không khí, về nước mặt, nước ngầm cũng sẽ được tăng cường để kiểm soát, ngăn chặn ô nhiễm”.

Huy động nhiều nguồn lực

Để thực hiện chương trình giảm ô nhiễm, đơn vị này đã kêu gọi sự góp sức, đồng hành của doanh nghiệp. Ví dụ, điểm mới so với trước đây là các chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường thường do các đơn vị quản lý nhà nước thực hiện thì lần này chúng tôi kết hợp với doanh nghiệp để cùng làm.

Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm