Ba yêu cầu của Thủ tướng sau khi công bố nguyên nhân cá chết miền Trung

Liên quan đến những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp công nghiệp gang thép Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng khiến hải sản chết bất thường tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.  

Sáng nay (1-7), tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Để đi đến những kết quả cuối cùng về việc công bố nguyên nhân gây ra sự cố cá chết miền Trung là một quá trình đấu tranh kiên quyết.

Ba yêu cầu của Thủ tướng sau khi công bố nguyên nhân cá chết miền Trung ảnh 1
Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm gây ra sự số cá chết tại bốn tỉnh miền Trung vừa qua. Ảnh: N. GIANG

“Chúng ta đã đấu tranh một cách thuyết phục, bằng thái độ bình tĩnh, khoa học, đầy đủ trong quá trình tìm nguyên nhân cá chết ở miền Trung. Giao cho Bộ NN&PTNT dự thảo một chủ trương, chính sách cùng với Bộ Tài chính, KHCN, TN&MT để chúng ta có chính sách sớm cho ngư dân” - Thủ tướng nói.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các đơn vị, bộ, ngành Trung ương, địa phương phải nhanh chóng có chính sách đảm bảo hỗ trợ toàn diện cho ngư dân. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong việc đánh bắt xa bờ của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị ảnh hưởng trực tiếp đến sự cố môi trường do Fomosa Hà Tĩnh gây ra. 

Thủ tướng nêu ba yêu cầu cụ thể:

Thứ nhất phải thực hiện, đề xuất hỗ trợ lãi xuất cho người dân cụ thể, trong đó hỗ trợ doanh nghiệp bao nhiêu, hỗ trợ cho người dân bao nhiêu, quỹ tái xử lý môi trường là bao nhiêu?

Thứ hai, số tiền 11.500 do Fomosa Hà Tĩnh đền bù, giao Bộ Tài chính, TN&MT và các bộ có liên quan tham gia thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân. Chính sách phải đề cập cụ thể việc đánh bắt xa bờ như thế nào, xử lý và tái xử lý môi trường sản xuất ra sao. Bộ Tài chính chủ trì trình lên chính phủ sớm nhất về các chính sách hỗ trợ đã nêu.

Thứ ba, các Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính sớm có chính sách về việc hỗ trợ việc làm cho người dân các địa phương, vùng bị ảnh hưởng sau sự cố môi trường vừa qua.

“Tôi xin nhắc lại một lần nữa, chúng ta đã lồng từng bước, đấu tranh có lý lẽ, dựa trên những cơ sở khoa học vững chắc để đạt được những kết quả liên quan sau sự cố môi trường miền Trung.

Không phải vấn đề tiền bạc, mà chúng ta phải tạo ra môi trường đầu tư, thu hút đầu tư trong và nước ngoài. Tuy nhiên, nếu các đơn vị tái diễn gây hủy hoại môi trường thì phải xử lý nghiêm. Ở đây tôi nói rõ, không phải vì đầu tư trong nước và nước ngoài mà chúng ta bỏ qua vấn đề môi trường, đánh đổi môi trường” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời Thủ tướng, về việc xử lý môi trường ở khu vực bị ảnh hưởng bởi Fomosa, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Nguyễn Văn Cao báo cáo: “Ngư dân đánh bắt gần bờ thường ở các xã ven biển do không có đất, không chuyển sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác. Vì vậy đề nghị Chính phủ có chính sách cho chuyển đổi sang đóng tàu để đánh bắt xa bờ hoặc tăng cường xuất khẩu lao động, tháo gỡ một phần khó khăn cho họ.

Ngoài ngư dân thì các cơ sở du lịch cũng ảnh hưởng lớn, đặc biệt nhiều nhà đầu tư mới xây dựng xong. Tỉnh đề nghị có chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn”.

Ngày 28-6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại bốn tỉnh đồng thời cam kết công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD...

Ba yêu cầu của Thủ tướng sau khi công bố nguyên nhân cá chết miền Trung ảnh 2
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà

Khi báo chí đặt vấn đề liên quan đến số tiền 500 triệu USD của Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nói: “Tôi được biết Tập đoàn Formosa có cổ đông chiến lược đến từ Nhật Bản. Phải nói số đền bù chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ, vì ở đây mới tính thiệt hại kinh tế trực tiếp của người dân, thông qua sơ bộ đánh giá trực tiếp”.

Bộ trưởng Hà khẳng định: “Thiệt hại lớn hơn nhiều như tổn thương tâm lý, các hệ lụy khác. Ví dụ thiệt hại ở Minamata của Nhật Bản do một công ty Nhật xả thải gây ra các bạn nghĩ là bao nhiêu, vẫn chưa tính được."             

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm