Bác như đã trở về, vẫy chào nhân dân TP

Sáng 17-5, Thành ủy TP.HCM đã trang trọng tổ chức lễ khánh thành và báo cáo với nhân dân và Đảng bộ TP về việc hoàn thành đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động, với sự có mặt của hàng trăm đại biểu từ trung ương đến địa phương, cùng đông đảo người dân TP.HCM.

Hoàn thành di nguyện của Bác

Phát biểu tại lễ khánh thành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động nói: “Đối với miền Nam, đối với Sài Gòn, Bác Hồ luôn có tình cảm yêu thương đặc biệt sâu nặng. Trong trái tim Người luôn có một miền Nam thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau; một Sài Gòn chan chứa tình thương yêu - nơi Người đã cất bước ra đi tìm đường cứu nước và luôn cháy bỏng một khát vọng được trở lại Sài Gòn, thăm lại miền Nam”.

Tổng Bí thư đã nhắc lại nỗi canh cánh một lòng với đồng bào miền Nam của Bác lúc sinh thời: Người từng nói: “Quê mình ở Nam Đàn, Nghệ An nhưng mẹ mình mất ở xứ Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh. Quê mình trải dài đất nước, ở những nơi như Phan Thiết, Sài Gòn,... trước lúc ra nước ngoài, mình đã từng sống và từng đến nơi nhưng nay về nước đã bao năm rồi, mà mình vẫn chưa về đến chốn”. Hay khi miền Nam còn chìm trong ách thống trị của ngoại bang và khói lửa chiến tranh, Bác nói: “Ở miền Nam, mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”; “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng không chỉ miền Nam luôn ở trong trái tim Bác Hồ mà đồng bào miền Nam cũng luôn mong mỏi một lần được gặp Bác nhưng ước nguyện đã không thành. Thấu hiểu và trân trọng nguyện vọng, tình cảm và lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ và nhân dân TP, từ năm 2011 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI đã thống nhất chủ trương cho TP.HCM xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau hơn ba năm triển khai thực hiện đến nay đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của nhân dân TP đối với Bác Hồ. “Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, lịch sử và nhân văn sâu sắc của nhân dân TP.HCM, đồng bào Nam Bộ và cũng là niềm vui chung của tất cả chúng ta” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tiết mục múa dâng hoa dưới tượng đài Bác ngày khánh thành. Ảnh: HTD

Bác như đã trở về, vẫy chào nhân dân TP ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trong buổi lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: HTD

Bác đã gần gũi hơn với miền Nam ruột thịt

Nhiều đại biểu đến dự lễ khánh thành đã không giấu được niềm xúc động. Trước tượng đài của Người, ai cũng cảm nhận Bác đang về với miền Nam gần gũi và ân cần. Như lời của Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải: “Bác như đã trở về, mừng vui vẫy chào Nhân dân TP; thể hiện sự mong mỏi của Người một lần về thăm lại miền Nam”…

Ông Trần Quốc Hương, nguyên Trưởng ban Nội chính Trung ương, vị tướng chỉ huy mạng lưới tình báo Việt Nam, tuy năm nay đã 91 tuổi, sức không còn khỏe nhưng vẫn ngồi xe lăn đến dự lễ đón Bác về với miền Nam. Đôi mắt mờ đục của ông phút chốc sáng bừng lên khi nhìn về phía Bác. “Ngày hôm nay khiến tôi nhớ lại rất nhiều câu chuyện về Người...” - ông xúc động nói.

Vừa nhận giải thưởng cho bộ phim tài liệu về Bác Hồ với tựa đề Nơi ấy là trường học ở Hà Nội, nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP, tâm sự: “Rất nhiều người miền Nam trong đó có tôi đều tha thiết được gặp Bác Hồ nhưng đã không gặp được. Tôi có may mắn hơn nhiều người vì công việc cho phép tiếp cận Người ở nhiều góc độ, dù chỉ là qua tài liệu và hình ảnh. Mỗi thước phim cũng là cách tôi cùng các đồng nghiệp có dịp bày tỏ tình cảm của người con miền Nam với Bác”. Nhà biên kịch cho biết tượng đài Bác theo cảm nhận của bà, một người dân miền Nam, là giản dị, gần gũi, vui tươi, lại đặt ngay vị trí trang trọng nhất của TP. Việc này khiến bà có cảm giác như được gần Bác hơn, như thể Bác lúc nào cũng hiện diện và sát cánh cùng chính quyền và nhân dân TP.

Cùng cảm xúc, ông Trần Đình Hạng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM, nói: “Suốt cả cuộc đời chiến đấu tôi chỉ mong một lần được gặp Bác nhưng chưa bao giờ được gặp Người. Tôi đã vào lăng viếng Bác ở Hà Nội, hôm nay tại TP.HCM được chiêm ngưỡng tượng Bác cũng như là một lần đón Bác trở lại miền Nam, để Bác được sống trong sự yêu thương nhân dân TP.HCM và miền Nam”.

Ước nguyện tha thiết của Đảng bộ và Nhân dân TP.HCM

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM là ước nguyện tha thiết của Đảng bộ và Nhân dân TP, khẳng định tấm lòng son sắt, thủy chung của đồng bào, đồng chí TP đối với Đảng, Bác Hồ kính yêu; là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân TP mang tên Bác. Đây là nơi để chúng ta thể hiện lòng tôn kính Bác Hồ; là nơi để chúng ta dâng hoa, báo cáo kết quả với Bác về phấn đấu, rèn luyện, thực hiện nhiệm vụ và giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, truyền thống cách mạng đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Là sự nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí giữ những vị trí chủ chốt của TP phải luôn tự soi rọi, tự sửa, tự răn mình; luôn tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự tin tưởng của Nhân dân và trọng trách mà Đảng và Nhân dân giao. (Trích phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải tại lễ khánh thành)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm