Bài 4: Vướng ủy thác tư pháp

Lãnh đạo TAND TP khẳng định cứ nhìn vào quy trình ủy thác tư pháp ra nước ngoài hiện nay thì “nhắm mắt cũng thấy” vụ án sẽ bị quá hạn, không cách nào đảm bảo được thời gian xét xử theo luật định.

Hành trình vất vả

Đầu tiên, tòa án Việt Nam phải chuyển hồ sơ qua Bộ Tư pháp. Bộ này chuyển đến Bộ Ngoại giao. Bộ Ngoại giao chuyển đến Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại. Từ đây hồ sơ vụ án mới được chuyển đến các cơ quan tư pháp nước bạn để nhờ thu thập, xác minh chứng cứ. (xem sơ đồ)

Nếu quá trình xác minh thuận lợi, hồ sơ sẽ lần lượt ngược hành trình trên quay về tòa án Việt Nam. Nội chuyện gửi đi gửi lại này cũng mất cả năm cho một lần ủy thác, đủ thời gian làm cho một vụ án thành quá hạn.

Ủy thác thành công đã vậy, còn nếu thất bại, hoặc chẳng may bị ách lại ở một cơ quan nào đó thì tòa chỉ còn biết ngồi chờ. Đấy là chưa kể đến chuyện các cơ quan ở nước bạn không nhiệt tình, hào hứng giúp đỡ thì chẳng còn cách nào khác.

Bài 4: Vướng ủy thác tư pháp ảnh 1

Vướng từ phía đương sự

Trong báo cáo tổng kết năm 2009, Tòa dân sự TAND TP đã chỉ ra nhiều vướng mắc khác trong ủy thác tư pháp ra nước ngoài.

Không ít chuyện vướng ngay từ phía đương sự. Chẳng hạn đương sự chậm cung cấp địa chỉ người ở nước ngoài, không chịu trả chi phí dịch thuật tài liệu ủy thác, lệ phí bưu điện cho việc ủy thác theo luật. Nhiều trường hợp có nhu cầu tự hòa giải thì xin tòa kéo dài thời gian để liên lạc với người cư trú ở nước ngoài nhằm làm giấy ủy quyền cung cấp chứng cứ.

Rồi có cả chuyện trong quá trình tố tụng, đương sự chết, tòa phải xác minh để đưa những người thừa kế ở nước ngoài vào tham gia vụ án nhưng người trong nước không cung cấp đầy đủ địa chỉ người thừa kế ở nước ngoài nên khó khăn khi làm hồ sơ. Tất cả đều dẫn đến việc lấy lời khai, tống đạt các văn bản, hoặc xác định tài sản ở nước ngoài của tòa Việt Nam không thực hiện được, làm cho vụ án bị kéo dài...

Tại TAND TP từng xảy ra trường hợp án đã xử và tống đạt ra nước ngoài, đến cả năm sau đương sự mới gửi kháng cáo về. Lúc này tòa phải lấy hồ sơ ra để giải quyết tiếp theo thủ tục phúc thẩm.

Lãnh đạo Tòa dân sự TAND TP còn dẫn ra một thực tế khác là hầu hết thẩm phán chỉ biết danh sách 15 quốc gia đã có hiệp định tương trợ tư pháp với nước mình chứ nội dung tương trợ thế nào thì không biết nên thường lúng túng.

“Tòa nhà” làm khó nhau

Không chỉ do chờ đợi kết quả ủy thác với cơ quan tư pháp nước ngoài mới khiến án quá hạn, ngay giữa các tòa trong nước với nhau cũng vậy. Khi được ủy thác, các tòa đều vui vẻ nhận lời nhưng không tích cực điều tra thu thập chứng cứ ngay mà để đó khiến việc vi phạm thời gian ủy thác là rất lớn.

Chẳng hạn một vụ án mà Pháp Luật TP.HCM đã từng phản ánh: DNTT TP nhận huấn luyện nghiệp vụ cho con chó giống Phú Quốc của bà D. nhưng lại làm mất. Mất thú yêu, bà D. đau buồn, cương quyết yêu cầu doanh nghiệp phải đền đúng con chó của bà hoặc bồi thường 100 triệu đồng. Doanh nghiệp không chịu nên hai bên dắt nhau ra TAND quận Thủ Đức nhờ phân xử.

Vấn đề rắc rối ở chỗ giá trị của con chó Phú Quốc này bao nhiêu thì chẳng có cơ quan giám định nào ở TP.HCM dám kết luận để làm cơ sở cho tòa giải quyết. Vì thế, tháng 7-2009, TAND quận Thủ Đức đã ra quyết định ủy thác thu thập chứng cứ cho TAND huyện Phú Quốc (Kiên Giang), yêu cầu xác minh giống, chi phí nuôi dưỡng bình quân và giá trị con chó. Tòa án huyện Phú Quốc vui vẻ nhận lời nhưng hết một tháng theo luật định vẫn không gửi kết quả. Đầu tháng 9 vừa qua, TAND quận Thủ Đức đã phải tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện cho đến khi có kết quả xác minh.

THANH TÙNG - HỒNG TÚ

Một vụ, ủy thác… bốn nước

Trước đây, TAND quận Tân Phú đang giải quyết vụ vợ chồng ông A. kiện tranh chấp nhà với người khác thì vợ ông A. đột ngột qua đời. Theo luật, tòa phải đưa sáu người con của vợ chồng ông A. vào tham gia tố tụng (thừa kế di sản của mẹ).

Ngặt một nỗi trong số sáu người con này thì hai đang sinh sống ở Mỹ, một ở Úc, một ở Pháp. Năm 2008, vụ án được tòa quận chuyển lên TAND TP vì có yếu tố nước ngoài. Qua điện thoại, bốn người con đang cư trú ở nước ngoài đều đồng ý để ông A. đại diện họ tham gia tố tụng.

Vấn đề là không thể nói miệng mà phải có văn bản ủy quyền hợp lệ. Để có được những văn bản này, TAND TP phải tiến hành ủy thác tư pháp với… bốn nước. Đến nay, việc ủy thác vẫn chưa có kết quả dù đã gần một năm trôi qua. Hồ sơ ủy thác vẫn còn nằm ở đâu đó trong khi TAND TP cũng chỉ biết chờ và chờ vì có muốn đình chỉ vụ án cũng phải biết là việc ủy thác có thất bại hay không.

Chuẩn hóa

Cải cách thủ tục ủy thác tư pháp bằng cách công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính chuẩn sẽ không phải mất nhiều thời gian, chi phí cho việc dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng Anh. Đương nhiên phải tùy vào hoàn cảnh từng nước nhưng tôi nghĩ trước sau chúng ta sẽ phải hòa nhập ở trình độ này.

Ví dụ gần chúng ta nhất là Malaysia, ngôn ngữ phổ thông của họ là tiếng mẹ đẻ nhưng các văn bản pháp luật hành chính, thương mại, dân sự, hôn nhân đều chuẩn hóa bằng tiếng Anh hết.

Tự thu thập

Để tránh tình trạng tòa phải mất hàng năm trời chờ kết quả ủy thác ở nước ngoài (nhiều trường hợp không có kết quả phải đình chỉ vụ án) thì hãy quy định nguyên đơn phải thu thập địa chỉ, thông tin về cá nhân của bị đơn ở nước đó. Hãy coi đó như một nghĩa vụ chứng minh bắt buộc trước khi tòa thụ lý vụ kiện.

Thực tế nhiều trường hợp tòa không biết thông tin gì về bị đơn hoặc người liên quan trong vụ án nhưng nguyên đơn thì biết rõ và có thể lấy dễ dàng thì hãy để họ tự lấy rồi nộp cho tòa.

Tiến sĩ Chu HẢI THANH, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp

Đôn đốc

Khó nhất cho các tòa hiện nay là ủy thác theo địa chỉ nguyên đơn cung cấp nhưng thực tế thì đó chỉ là địa chỉ tạm trú, hoặc bị đơn còn hộ khẩu nhưng đã chuyển đi từ lâu. Khi ấy tòa phải nhận thông tin và ủy thác lại.

Vậy nên với những ủy thác giữa các địa phương trong nước với nhau, cách tốt nhất để rút ngắn thời gian là cả bên ủy thác và bên nhận ủy thác phải có trách nhiệm với việc ủy thác. Bên ủy thác phải theo dõi thông tin để thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nơi mình nhờ vả, lãnh đạo bên được ủy thác phải theo dõi, nhắc nhở thẩm phán của mình đừng để quên luôn.

Thẩm phán PHẠM THAO, Chánh án TAND quận 2 (TP.HCM)

Tiến sĩ luật LÊ NẾT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm