Ban hành luật, đừng hỏi ý dân “cho có lệ”

Nhiều chuyên gia cho rằng, hoạt động tham vấn công chúng khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn hình thức, làm qua loa cho “xong chuyện”, làm cho “có lệ”.  Việc lấy ý kiến người dân phần nhiều áp dụng đối với các văn bản pháp quy do Trung ương ban hành, còn văn bản pháp quy của địa phương ít được đưa ra tham vấn công chúng.

Chất lượng hoạt động tham vấn tùy thuộc vào cách thức lấy ý kiến, mỗi hình thức đều có ưu điểm và nhược điểm nên phải triển khai đồng bộ nhiều loại hình, chú trọng những phương thức lấy ý kiến đơn giản. Trong khi các cơ quan góp ý bằng văn bản còn mang tính hình thức “hỏi gì - đáp đó” thì ý kiến người dân phản ánh qua phương tiện truyền thông internet rất đa dạng, cởi mở.

Việc góp ý bằng văn bản, góp ý tại cuộc họp cơ quan, tại cộng đồng khu vực dân cư ít nhiều “có áp lực” cho những ý kiến trái chiều. Do đó nên mở rộng mô hình góp ý điện tử mà không nhất thiết phải khai báo những thông tin có thể nhận dạng người có ý kiến (tên tuổi, email...). Bước tổng hợp thông tin góp ý cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tham vấn, dễ rơi vào “bệnh hình thức” tổng hợp số lượng ý kiến mà không sàng lọc được những ý kiến độc đáo, mới, hay cần tiếp thu, bởi ý kiến độc đáo thì thuộc nhóm, thiểu số còn ý kiến số đông lại chưa hẳn đã đúng.

Nhóm chuyên gia đánh giá rất cao vai trò của kênh truyền thông trong hoạt động tham vấn công chúng. Tuy nhiên, nhóm ý kiến truyền thông lại cho rằng các cơ quan soạn thảo văn bản pháp quy thiếu chủ động hợp tác và cung cấp thông tin, mặc dù, các cơ quan truyền thông sẵn sàng hỗ trợ miễn phí.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo nhấn mạnh, chính cách thức tham vấn, thời điểm và thời gian tham vấn mới là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả hoạt động tham vấn công chúng chứ không phải vấn đề tiền bạc, kinh phí. Nhìn lại việc triển khai lấy ý kiến toàn dân trong đợt sửa đổi Hiến pháp vừa qua, tuy thu thập được rất nhiều góp ý tinh hoa, giá trị nhưng còn lãng phí. Kinh phí in và phát dự thảo đến người dân rất lớn, mặt khác do thời gian lấy ý kiến gấp gáp nên hiệu quả chưa cao. Có chuyên gia cũng phản ánh thực trạng người dân địa phương vùng sâu để rơi rớt dự thảo ngoài đồng.

Đại diện Bộ Tư pháp góp Ý: “Kinh phí tham vấn công chúng nhiều ít không quan trọng, mà cốt lõi phải sử dụng hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí. Phải đầu tư sâu vào lấy ý kiến nhóm đối tượng bị tác động và nên có bộ quy chuẩn về quy trình tham vấn”.

Ông Nguyễn Chí Dũng (Hàm vụ trưởng - Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử - Ban Công tác đại biểu QH) cũng cho rằng, nên lấy ý kiến người dân ngay từ khi có chủ trương, chính sách lớn trước, trên cơ sở những ý kiến đó sẽ xây dựng thành dự thảo phù hợp, rồi sau đó tiếp tục tiếp thu thêm góp ý đi sâu vào các điều khoản cụ thể của dự thảo. Điều này nhằm có đề xuất chính sách phù hợp, khả thi, chứ nếu đầu tư soạn thảo văn bản pháp quy rồi mà khi đưa ra dự thảo vấp phải dư luận phản đối thì tốn kém không hiệu quả.

“Để tăng hiệu quả tham vấn công chúng, cần chú trọng 10 vấn đề: Phải xác định nhóm trọng tâm cần lấy ý kiến; nội dung lấy ý kiến phải rõ, ngôn ngữ đơn giản, đại chúng để người dân tiếp thu được ý tưởng của nhà soạn thảo luật thì họ mới có thể góp ý được; cần sớm có bộ quy chuẩn về cách thức lấy ý kiến; tính toán chi phí và hiệu quả tham vấn công chúng, coi hành vi lập pháp như đầu tư công, đừng chi dàn trãi”- ông Dũng nhấn mạnh.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm