Báo cáo vụ tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc

Theo báo cáo, ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc phát cho dân nghèo tại xã La Dạ”, ngày 11-1, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Bắc kiểm tra, xác minh thông tin bài báo. Ngày 23 -1, UBND tỉnh tiếp tục có công văn chỉ đạo UBND huyện Hàm Thuận Bắc khẩn trương báo cáo chính thức kết quả kiểm tra, xác minh thông tin bài báo nêu. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã thành lập tổ kiểm tra.
Tổng giá trị hợp đồng hơn 1,5 tỉ đồng
Cụ thể, đến nay bước đầu đã xác định xã La Dạ có 306 hộ được cấp kinh phí hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ và hỗ trợ nước phân tán cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 của Thủ tướng. Ngoài ra còn có 18 hộ được hỗ trợ tiền nước sinh hoạt.
UBND xã La Dạ tổ chức họp dân, thông báo số tiền được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để cho các hộ đăng ký nhu cầu, chủng loại máy móc mà họ đang cần để lập danh sách, số lượng cụ thể. Trên cơ sở đăng ký của các hộ dân và so sánh giá của các đơn vị cung cấp, UBND xã La Dạ đã chọn đơn vị cung cấp máy móc, nông cụ là cửa hàng Nông cơ Minh Thắng (Địa chỉ: thôn 2, xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, Bình Thuận).
Ngày 16-12-2016, UBND xã La Dạ đã ký hợp đồng với Cơ sở Nông cơ Minh Thắng để mua máy móc, nông cụ sản xuất cho dân. Tổng giá trị hợp đồng là 1.530.000.000 đồng, gồm 20 loại, máy móc, nông cụ chủ yếu là hàng Việt Nam liên doanh hợp tác với nước khác.
Sau khi được các ngành có liên quan của huyện và UBND xã La Dạ nghiệm thu, ngày 28 và 29-12-2016, Cơ sở Nông cơ Minh Thắng đã giao máy móc nông cụ cho từng hộ, có ký nhận cụ thể. Ngày 30-12-2016, UBND xã La Dạ đã chi trả trực tiếp bằng tiền mặt toàn bộ số tiền theo hợp đồng đã ký cho ông Hồ Minh Thắng, chủ Cơ sở Nông cơ Minh Thắng.
Tổ kiểm tra không xác minh được máy có đúng hiệu không
Qua làm việc, ông Hồ Minh Thắng trình bày, sau khi hợp đồng với UBND xã La Dạ, ông đến Cơ sở Nông cơ Tôn Sơn, địa chỉ thôn 8, xã Đa Kai, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận để mua máy móc nông cụ cấp cho dân nghèo xã La Dạ theo hợp đồng với tổng số tiền 812.500.000 đồng.
Sau khi nghe bà con phản ánh cấp máy Trung Quốc, ông Thắng đã kiểm tra và thừa nhận máy móc nông cụ đã cấp cho dân đúng là máy Trung Quốc (không đúng như trong hợp đồng). Để khắc phục tình trạng trên, ông Thắng tiếp tục đến Cơ sở Nông cơ Tôn Sơn mua mới và đổi lại máy móc nông cụ cho dân. Việc mua máy móc nông cụ giữa ông Thắng và Cơ sở Nông cơ Tôn Sơn (hai lần) không có hợp đồng mua bán và không có hóa đơn bán hàng theo quy định.
Báo cáo vụ tráo máy Nhật bằng máy Trung Quốc ảnh 1
Bên ngoài mang nhãn hiệu Honda nhưng bên trong lại là máy Trung Quốc. Ảnh: PN
Điều đáng chú ý là Cơ sở Nông cơ Tôn Sơn không thừa nhận có bán số máy móc trên cho ông Thắng. UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã kiểm tra ngẫu nhiên 52 hộ ở các thôn của xã La Dạ đều nhận đủ máy móc nông cụ theo như đăng ký và đúng số tiền 5 triệu đồng/hộ. Máy móc đa số các hộ chưa sử dụng, nhìn bên ngoài còn mới, có nhãn hiệu, có bao bì đầy đủ.
Tuy nhiên do không có chuyên môn về máy móc nông cụ nên tổ kiểm tra không xác định hàng có đúng nhãn hiệu hay không. Qua làm việc các hộ nhận máy bơm nước đều thừa nhận mới đổi lại hàng nhưng đều không xác định được hàng nhận trước đó là loại gì (máy mới đổi lại là máy bơm nước Hon Da GP200 và GP160 xuất xứ Made in China, Trung Quốc).
Tiếp tục làm rõ dấu hiệu có ăn chặn hay không
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay còn một số vấn đề cần phải tiếp tục làm rõ thêm như có dấu hiệu “ăn chặn” hay không. Vì sao ông Thắng, chủ Cơ sở Nông cơ Minh Thắng tự khắc phục đổi lại máy nông cụ với số lượng lớn, trong khi chỉ một vài hộ dân phát hiện máy không đúng chất lượng theo hợp đồng và Cơ sở Tôn Sơn không thừa nhận việc có bán máy cho ông Thắng; xác định xuất xứ hàng hóa của các loại máy nông cụ cung ứng theo hợp đồng,…
Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo công an tỉnh làm rõ một số nội dung trên, đề xuất hướng xử lý vụ việc, quá trình thực hiện nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hoặc nếu có dấu hiệu tội phạm thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Sau khi có báo cáo kết quả của cơ quan chức năng, UBND tỉnh sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Ông Hồ Minh Thắng - người cung cấp nông cụ viết cam kết đổi lại máy cho dân nghèo. Ảnh: PN
Như chúng tôi đã đưa tin, đầu năm 2017, UBND xã La Dạ cùng đại diện các ban, ngành của huyện Hàm Thuận Bắc cấp phát nông ngụ cho hơn 300 hộ nghèo ở xã La Dạ. Tuy nhiên, khi ký nhận máy về nhà ai cũng khóc ròng khi phát hiện hầu hết các nông cụ đã nhận đều là vỏ của hãng Honda nhưng ruột là của Trung Quốc, thậm chí có nhiều máy cũ và mang nhãn hiệu rất lạ.
Bức xúc, nhiều người đi dò thử giá và biết được nếu là máy cắt cỏ, máy xịt thuốc hoặc máy bơm nước của Trung Quốc cũng chỉ 1,5- 2,2 triệu đồng/cái. Nhiều hộ dân nghèo đã yêu cầu cán bộ xã/huyện làm rõ việc đánh tráo và ăn bớt tiền của dân nghèo. Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh, UBND tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc và sau đó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu làm rõ vụ việc này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm