Bảo tàng Đà Nẵng sẽ chuyển qua trụ sở HĐND TP

Sáng 28-12, ông Nguyễn Nho Trung (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng) cho biết trong cuộc họp diễn ra vào chiều 27-12, Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất chủ trương về việc bảo vệ di tích thành Điện Hải bằng việc dời trụ sở Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú) qua 42 Bạch Đằng (trụ sở hiện tại của HĐND TP Đà Nẵng).

“Hiện Ban Thường vụ mới thống nhất về chủ trương, còn việc di dời trụ sở Bảo tàng TP sang trụ sở HĐND và tìm kiếm vị trí mới cho HĐND chỗ nào thì còn cần thời gian. Việc này cần có những quy hoạch cụ thể hơn” - ông Trung nói.

Một buổi thuyết trình của hướng dẫn viên tại Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Được biết sau khi nghe báo cáo cụ thể về chủ trương trên, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng cũng đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất địa điểm mới cho HĐND TP. Theo đó, việc chọn địa điểm trụ sở mới cho HĐND TP sẽ được tính toán kỹ và phù hợp với định hướng chung với quy hoạch của TP Đà Nẵng.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết sẽ không bố trí khu đất sát cạnh thành Điện Hải (phía đường Lý Tự Trọng) để làm trung tâm lưu trữ như tính toán ban đầu nữa. Khu vực trên sẽ được dùng làm vườn dạo, tạo hành lang để bảo vệ di tích thành Điện Hải. Ngoài ra, TP cũng sẽ tổ chức giải tỏa hàng chục hộ dân sống sát vách thành Điện Hải để bảo vệ di tích đặc biệt này.

 
Thành Điện Hải là một di tích lịch sử đặc biệt. Công trình này nằm ở tả ngạn sông Hàn, được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Gia Long thứ 12 năm 1813, trước là đồn Điện Hải, gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 Minh Mạng thứ 4 cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao, được xây bằng gạch và đến năm 1835 Minh Mạng thứ 15, đồn được đổi tên là thành Điện Hải.
Năm 1847 Thiệu Trị thứ 7, thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3 m. Thành có hai cửa, một cửa mở về phía nam (cửa chính), một cửa mở về phía đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.
Tuy nhiên, qua thời gian thành Điện Hải đang bị xâm phạm nghiêm trọng, thành quách xuống cấp và bị người dân lấn chiếm. Không chỉ vậy, ngay trung tâm hành chính TP và nhiều công trình của TP hiện tại cũng nằm án ngữ ngay trước cổng thành này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm