Bị cáo nhận tội, tòa vẫn tuyên trắng án

Ngày 6-4, VKSND tỉnh Đồng Nai đã kháng nghị phúc thẩm một bản án sơ thẩm của TAND tỉnh này để bảo vệ quan điểm buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Nguyễn Thị Bằng. Trước đó, TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên bà Bằng không phạm tội và trả tự do ngay tại tòa...

Bị cáo xin giảm nhẹ, tòa vẫn tuyên vô tội

Theo hồ sơ, từ tháng 7 đến tháng 9-2009, bà Bằng nói với nhiều người đang cần một khoản tiền lớn để kinh doanh bia và đáo hạn ngân hàng. Để vay được tiền, bà Bằng trả lãi suất cao hơn ngân hàng và chỉ vay trong thời gian ngắn, có viết giấy vay nợ. Nhưng sau khi vay được tiền, bà Bằng không đầu tư kinh doanh bia, không đáo hạn ngân hàng, không đưa tiền cho ai vay lại. Khi đã huy động được hàng tỉ đồng, bà Bằng bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, bỏ trốn rồi ra đầu thú. Cơ quan công an xác định bà Bằng đã lừa vay 2,5 tỉ đồng của bảy người, chỉ hoàn trả được hơn 330 triệu đồng...

Tại phiên xử sơ thẩm, luật sư bào chữa cho các nạn nhân cho rằng bà Bằng đã nói dối là kinh doanh bia, đáo hạn ngân hàng... nhằm chiếm đoạt tiền của người khác. Cùng quan điểm, đại diện VKS nói việc bà Bằng không còn khả năng trả nợ nhưng vẫn tiếp tục huy động vốn của nhiều người là có ý đồ chiếm đoạt. Từ đó, đại diện VKS đã đề nghị tòa phạt bà Bằng 12-14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đáng chú ý, bà Bằng cũng thừa nhận hành vi của mình là lừa đảo và nói lời sau cùng như sau: “Từ khi bị công an bắt, chồng bị cáo đã bỏ bị cáo, bị cáo có con nhỏ, vì vậy xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm về với gia đình, xã hội để có điều kiện kiếm tiền trả nợ cho các bị hại”.

Tuy nhiên, sau khi nghị án, tòa đã tuyên bố bà Bằng không phạm tội, đồng thời trả tự do cho bà ngay tại phiên xử sau hơn ba năm bị bắt tạm giam.

 
Bà Nguyễn Thị Bằng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: V.NGỌC

Viện nói một đằng, tòa bảo một nẻo

Sau phiên xử, ông Phan Văn Thắng (Trưởng phòng Kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử án kinh tế và chức vụ VKSND tỉnh Đồng Nai, người giữ quyền công tố tại phiên xử) nói hành vi phạm tội của bà Bằng hết sức rõ ràng. Tại phiên tòa, bà Bằng cũng đã thừa nhận phạm tội. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã xác minh rõ sau khi tuyên bố vỡ nợ, bà Bằng vẫn vay tiền, không chứng minh được việc sử dụng số tiền vay, đồng thời bỏ trốn rồi ra đầu thú. Việc tòa tuyên bà Bằng vô tội rất có thể sẽ là tiền lệ xấu cho những vụ giật hụi, lừa đảo khác.

Trong khi đó, Thẩm phán Trần Nam Phương (chủ tọa phiên tòa) lý giải về phán quyết trên: Quá trình thẩm vấn các nạn nhân cho thấy việc họ đem tiền cho bà Bằng vay xuất phát từ lòng tin. Trong số này, có một số người đã từng cho bị cáo vay tiền và đều được thanh toán sòng phẳng. Mặt khác, quy kết bà Bằng nói dối vay tiền kinh doanh bia, đáo hạn ngân hàng để lừa là không rõ ràng vì trên thực tế bà vẫn có cửa hàng bán tạp hóa, kinh doanh bia.

Ngoài ra, quá trình xem xét hồ sơ cho thấy bà Bằng không có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác. Bà cũng là nạn nhân trong việc đem tiền cho người khác vay để kiếm tiền chênh lệch và bị những người vay này không trả nên mới phát sinh việc vỡ nợ. Trong vụ án này, nếu xem xét hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bà Bằng cũng không được bởi trên thực tế bị cáo không hề bỏ trốn như VKS quy kết. Việc vay mượn giữa các bên chỉ là quan hệ dân sự nên HĐXX mới tuyên bị cáo vô tội.

Nhiều điểm chưa rõ

Nhận xét về vụ án, ông Võ Văn Thêm (Phó Viện trưởng Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) nói: “Muốn xác định bị cáo có tội hay không còn cần làm rõ nhiều vấn đề: Tiền bị cáo có trong tay có thông qua thủ đoạn gian dối hay không? Bị cáo có dùng tiền vào kinh doanh bia hay đáo hạn ngân hàng hay không? Việc vay tiền của nhiều người nhằm mục đích gì? Có sử dụng số tiền đó vào mục đích bất hợp pháp khiến không có khả năng trả lại hay không? Bị cáo có thật sự bỏ trốn hay không?”.

Còn luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh cơ quan tố tụng cần phải làm rõ là bị cáo bỏ trốn để chiếm đoạt tiền vay hay chỉ lẩn tránh trước sự đe dọa của các chủ nợ để tìm kiếm sự an toàn rồi ra trình diện khi được yêu cầu.

Luật sư Công nhận xét thêm: “Bị cáo có cơ sở kinh doanh bia, tạp hóa nên rất khó chứng minh bị cáo có ý định gian dối từ đầu nhằm làm cho các chủ nợ tin mà cho vay. Việc cho rằng bị cáo đã tuyên bố vỡ nợ mà sau đó vẫn còn vay tiền người khác, không rõ mục đích sử dụng tiền vay... cũng không phải là căn cứ để xác định bị cáo lừa đảo”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

VĂN NGỌC - HOÀNG YẾN

 

Nhận tội chưa chắc đã có tội!

Khi bị cáo nhận tội thì chưa chắc họ đã có tội mà đôi khi họ cảm thấy có lỗi hoặc họ thiếu hiểu biết pháp luật, cứ ngỡ hành vi của mình phạm tội. Do đó, việc bị cáo có tội hay không là do tòa quyết định thông qua việc xem xét, đánh giá tổng hợp các chứng cứ chứ không phải cứ bị cáo nhận tội là đương nhiên tòa sẽ phải tuyên họ có tội.

Hiện nay, các vụ vay mượn tiền rồi vi phạm nghĩa vụ thanh toán, bị tố cáo ra công an xảy ra khá phổ biến. Cán bộ tố tụng giải quyết án phải hết sức nhạy bén, tinh tường các dấu hiệu tội phạm để không hình sự hóa quan hệ dân sự. Sẽ không có sự nhập nhằng nếu phân biệt rõ đâu là hành vi chiếm đoạt, đâu là quan hệ dân sự (vi phạm nghĩa vụ thanh toán). Trong thời gian tới, theo tôi cần tập trung tổng kết, nghiên cứu, hướng dẫn để làm sao phân biệt rõ, tránh tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm