Bị sa thải vì cái điều khiển máy lạnh

Ngày 2-7, TAND TP.HCM đã xử phúc thẩm vụ ông Đỗ Quốc Thái (ngụ Long Xuyên, An Giang) kiện Công ty TNHH Rico Việt Nam vì cho rằng công ty này đã sa thải ông trái luật. Ông Thái còn yêu cầu công ty phải bồi thường danh dự cho ông.

Remote trong cốp xe

Tại tòa, ông Thái trình bày ông vào làm việc tại công ty từ cuối năm 2012. Sau thời gian thử việc (cuối tháng 3-2013), ông và công ty ký hợp đồng lao động một năm, công việc của ông là lái xe, lương cơ bản 6 triệu đồng/tháng kèm phụ cấp tiền điện thoại, xăng xe, tiền nhà 600.000 đồng. Ngày 29-7-2013, công ty ra quyết định sa thải ông với lý do ông trộm cắp tài sản. Vì vậy, ông kiện yêu cầu công ty hủy quyết định trên, buộc công ty bồi thường do sa thải trái luật, trả lương những ngày không được làm việc, lương còn thiếu tháng 7-2013, các khoản bảo hiểm trợ cấp theo luật định khoảng 63 triệu đồng. Đặc biệt, ông yêu cầu công ty phải xin lỗi ông công khai trên báo ba kỳ, bồi thường danh dự 60 triệu đồng (10 tháng lương) và chi phí thưa kiện 5 triệu đồng.

Ông Thái (phải) sau khi thắng kiện. Ảnh: HY

Phía công ty khước từ mọi yêu cầu của ông Thái. Theo công ty, ông Thái có hành vi trộm cắp một cái điều khiển (remote) máy lạnh (trị giá hơn 100.000 đồng) bị bắt quả tang và lập biên bản nên sau đó hai ngày công ty ra quyết định kỷ luật sa thải và cho ông nghỉ việc. Công ty đã thanh toán đầy đủ lương và các khoản khác theo luật định nên không đồng ý trả bất kỳ khoản nào cho ông Thái.

Đối đáp lại, ông Thái cho rằng ngày 27-7-2013 khi ông ra về vào lúc 16 giờ 40 thì tại cổng bảo vệ của công ty có tiến hành kiểm tra và phát hiện trong cốp xe máy của ông có một cái điều khiển máy lạnh của công ty và lập biên bản. Tuy nhiên, ông không đồng ý ký vào biên bản vì không lấy trộm và không biết vì sao cái điều khiển có trong cốp xe của ông.

Tòa dưới bác, tòa trên sửa sai

Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức nhận định phía ông Thái thừa nhận có bị kiểm tra và phát hiện có cái điều khiển máy lạnh của công ty nhưng không ký biên bản. Đồng thời, tại phiên họp xét kỷ luật sau đó, ông Thái có mặt phát biểu ý kiến nhưng cũng không ký vào biên bản. Về thủ tục sa thải và cho ông Thái nghỉ việc, HĐXX nhận thấy công ty đã làm đúng theo luật định. Về mặt nội dung, có căn cứ khẳng định ông Thái đã có hành vi trộm cắp tài sản, vi phạm nội quy lao động và Bộ luật Lao động. Vì vậy, việc sa thải của công ty là đúng, các yêu cầu của ông Thái không có cơ sở để chấp nhận.

Ngay sau đó, ông Thái kháng cáo.

Tại tòa phúc thẩm, phía ông Thái trình bày ngày xảy ra sự việc ông làm việc tại văn phòng và có camera quan sát. Khi bảo vệ công ty phát hiện trong cốp xe ông có cái điều khiển máy lạnh, ông đã yêu cầu giữ nguyên hiện trường nhờ công an đến, lập biên bản nhưng khi công an đến, công ty cho là việc nội bộ nên không cho vào. Ngoài ra, khóa cốp xe của ông Thái từ lâu đã bị hư, ai cũng có thể dễ dàng mở ra. Công ty cho rằng ông trộm cắp là chủ quan, không có cơ quan có thẩm quyền xác định. Án sơ thẩm nhận định ông trộm cắp và bác các yêu cầu của ông là không đúng.

Phía công ty bảo lưu quan điểm cho rằng không phải trộm nào cũng dễ bắt tận tay. Xe ông Thái hư khóa cốp xe công ty không quan tâm, vì đó là tài sản riêng cá nhân phải bảo quản. Từ đó, công ty khẳng định đã làm đúng, rằng công ty phải xử nghiêm vì đã xảy ra nhiều sự việc như vậy.

HĐXX nhận định công ty không chứng minh được ông Thái có hành vi trộm cắp trong khi ông không thừa nhận. Trong trường hợp này, lý ra khi chưa đủ chứng cứ, công ty phải trưng cầu cơ quan chức năng vào cuộc, có kết luận mới tiến hành xử lý người lao động. Như vậy, việc công ty sa thải là đã trái pháp luật, ảnh hưởng đến danh dự của ông Thái nên cần chấp nhận một số yêu cầu của ông.

Từ đó, tòa sửa án sơ thẩm, buộc công ty hủy quyết định sa thải và bồi thường hơn 78 triệu đồng, trong đó có hai tháng tiền lương bồi thường danh dự. Sự việc xảy ra tại công ty nên tòa chỉ buộc công ty phải xin lỗi ông Thái tại đây là phù hợp. Ngoài ra, tòa bác yêu cầu đòi chi phí đi thưa kiện của ông.

ÁI MINH

Khi nào được quyền sa thải?

Theo khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động cũ, người sử dụng lao động được quyền sa thải người lao động (NLĐ) khi có một trong các căn cứ sau: NLĐ có hành vi trộm cắp, tham ô, tiết lộ bí mật công nghệ, kinh doanh hoặc có hành vi khác gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của doanh nghiệp; NLĐ bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương, chuyển làm công việc khác mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm; NLĐ tự ý bỏ việc năm ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng.

Điều 126 Bộ luật Lao động hiện hành (có hiệu lực từ 1-5-2013) quy định mở rộng hơn các hành vi vi phạm của NLĐ sẽ bị sa thải gồm: Đánh bạc; cố ý gây thương tích; sử dụng ma túy; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động; có hành vi đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm