Bí thư Đinh La Thăng: ‘TP.HCM phải giành lại vị trí số 1’

“TP.HCM từng là số một trong khu vực. Trước đây Singapore, Thái Lan nhìn về TP.HCM với sự ngưỡng mộ, khao khát nhưng bây giờ thì chúng ta đã tụt hậu so với họ”. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã nhìn nhận như thế tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 4 (khóa X) ngày 27-3.

TP.HCM không thể “mặc chung áo”

Theo ông Thăng, TP.HCM hiện đang không chỉ tụt hậu so với một số TP trong khu vực mà còn thua các TP khác trong nước ở một số lĩnh vực. “Chúng ta vẫn dẫn đầu về kinh tế, dẫn đầu về nộp ngân sách nhà nước nhưng nhiều năm nay bị lọt ra ngoài tốp 3 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - CPI. Trong khi đó vẫn phải dẫn đầu về nhiều thứ mà không đáng phải dẫn đầu như tội phạm, ùn tắc giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm…” - ông Thăng ưu tư.

Ông Thăng cho rằng TP.HCM hiện nay đã có đầy đủ điều kiện để ở vị trí số một, như dân số hơn 10 triệu người, có vị trí địa lý tốt, có truyền thống kiên cường cách mạng, người dân TP cần cù, thông minh, sáng tạo… “Vấn đề là chúng ta đã cố gắng hết sức chưa? TP còn thiếu điều gì? Phải chăng là thiếu ý chí quật cường, thiếu tinh thần đoàn kết mà thời chiến ta đã có rất mạnh mẽ?” - ông Thăng đặt vấn đề. Theo ông Thăng, không thể chấp nhận mỗi năm tăng trưởng hơn một tí, không thể hài lòng với mục tiêu năm nay tăng trưởng 8% mà phải có khát vọng cao hơn, xa hơn. “Vấn đề là phải tạo ra sức mạnh tinh thần mạnh hơn thời chiến để xây dựng và phát triển TP”. Ông Thăng nói thế và cho rằng để làm được như vậy thì mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nghĩ trong đầu TP.HCM từng là số một và bây giờ phải hành động để đòi lại vị trí ấy.

Theo ông Thăng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 16 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2020, vấn đề là TP cần xây dựng một cơ chế đột phá để phát triển. Làm sao để trung ương phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho TP nhiều hơn. Bởi TP.HCM là một siêu đô thị nên không thể ‟mặc chung chiếc áo” với các tỉnh khác. Trên tinh thần đó, ông Thăng nhấn mạnh việc phải tiếp tục xây dựng mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM, kiên trì và kiên quyết theo đuổi bằng được mô hình này cùng với đó là các cơ chế hết sức cởi mở.

Bí thư Thành ủy đề nghị UBND TP rà soát lại các phân cấp này để đưa vào thể chế chung của TP. Nếu có điều kiện thì tiến tới đề nghị xây dựng một luật riêng về TP.HCM như Hà Nội có Luật Thủ đô. “Muốn là đầu tàu, muốn thực sự là trung tâm, là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì phải có văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, phù hợp đủ thẩm quyền, đủ yếu tố pháp lý để thực hiện. Ít nhất là phải làm như thế chứ không chỉ nay xin được bộ này một tí, mai xin được bộ kia một tí thì khó...” - Bí thư Thăng nhấn mạnh.

Ông Thăng cho rằng phải suy nghĩ tới việc xây dựng TP.HCM trở thành một đặc khu kinh tế cỡ như Thượng Hải của Trung Quốc và một số TP khác. Vì TP.HCM là một đặc khu kinh tế với cơ chế đặc biệt thì mới phát huy hết tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đang trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị sáng 27-3. Ảnh: VIỆT HOA

Phải phục vụ dân và doanh nghiệp vô điều kiện

Báo cáo trước hội nghị về vấn đề phân cấp, ủy quyền, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, cho hay sở này cũng vừa có văn bản hướng dẫn các sở/ngành, quận/huyện rà soát lại việc nào giao cho cấp nào giải quyết nhanh nhất và có lợi nhất cho dân, cho doanh nghiệp (DN) thì đề nghị ủy quyền, phân cấp. Không có chuyện việc gì khó là đẩy về cho cơ sở, việc dễ thì giữ lại.

Ông Lắm cũng thông tin hiện nay Văn phòng UBND TP cũng đã rà soát xong các vấn đề cần ủy quyền, phân cấp. “Giải quyết được việc này thì thường trực ủy ban sẽ không phải giải quyết công việc sự vụ để tập trung giải quyết các công việc có tầm chiến lược” - ông Lắm nói.

Đồng tình với giám đốc Sở Nội vụ, ông Thăng nói TP phải phấn đấu xây dựng cơ chế quản trị TP hiện đại, học tập cơ chế quản lý của các TP hiện đại trên thế giới.

Cùng đó là làm sao bỏ được cơ chế xin-cho, bỏ được nhũng nhiễu và công khai, minh bạch. TP phải chuyển mình từ bộ máy hành chính công quyền thành bộ máy phục vụ. “Phải phục vụ nhân dân và DN vô điều kiện. Bộ máy không đẻ ra tiền, cũng không nộp ngân sách mà chính người dân và DN đã nuôi bộ máy nên phải đồng hành với họ. Chúng ta phải đến với người dân và DN chứ không phải ngồi chờ họ đến với ta” - Bí thư Thành ủy nói.

Ông Thăng cũng yêu cầu tăng cường lập và duy trì hoạt động của đường dây nóng. “Thông tin từ dân phản ánh phải ghi nhận, kiểm tra, giải quyết, không được bỏ ngăn kéo, không mị dân, lừa dân mà phải thực sự lắng nghe dân” - ông Thăng nói.

Tiếp tục trấn áp, tấn công tội phạm

Báo cáo về tình hình tội phạm, Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP, khẳng định trong quý I, tình hình tội phạm đã giảm 20,1%. Tuy nhiên, có được kết quả này là do tăng cường lực lượng chuyên trách và tập trung những biện pháp tuần tra công khai phối hợp với trinh sát các khu vực công cộng. Về căn cơ lâu dài, tướng Phong cho rằng vẫn phải thường xuyên trấn áp tội phạm, tập trung vào cơ sở để quản lý đối tượng phạm tội. Đồng thời, xây dựng và phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tăng cường giáo dục lối sống, cách hành xử giữa con người với con người, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Người đứng đầu Công an TP cũng cho hay thủ phạm gây ra đa số vụ cướp giật ở TP.HCM đều là người địa phương chứ không phải người nhập cư như mọi người vẫn nghĩ.

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Công an TP tiếp tục trấn áp tội phạm, phát huy trách nhiệm của lực lượng công an ở cơ sở. “Nghe báo cáo thì toàn người nhà cướp của người nhà mà không xử lý được là vô lý” - Bí thư Thăng nói. Ông Thăng cũng yêu cầu ngành công an phải phối hợp với các tỉnh bạn xử lý tội phạm một cách triệt để nhằm xây dựng một TP đáng sống, không có trộm cắp, cướp giật, ma túy.

Quyết định tách thửa: TP.HCM đủ công cụ để xử lý

Tại hội nghị trên, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết kể từ khi Quyết định 33/2014 quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa có hiệu lực đến nay, trên toàn TP có 4.100 trường hợp được tách thửa. Trước tình hình thực tế áp dụng quyết định này còn nhiều khó khăn ở địa phương, Sở TN&MT sẽ tham mưu cho TP những nội dung để giúp toàn TP thực hiện đúng tinh thần Quyết định 33. Nếu vướng mắc ngoài thẩm quyền thì xin ý kiến của Bộ TN&MT tháo gỡ.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp, thì cho rằng không cần phải xin thêm ý kiến của Bộ nữa vì TP đã đủ “gậy” rồi, quan trọng là áp dụng và thực hiện cho đúng thôi. Ông Hạnh cho hay hiện TP đã có quy hoạch chung, quận/huyện đã quy định rất rõ về đất nào xây dựng mới, đất nào chỉnh trang với các mật độ cụ thể. Do đó chỉ cần áp Quyết định 33 vào là có thể thực hiện được. Việc áp dụng sai sót là cá biệt, không nên vì thế mà vội vàng sửa quy định thì sẽ rất khó cho các địa phương.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị TP rà soát kỹ xem lại Quyết định 33 để giải quyết thấu tình đạt lý. “Có những vấn đề pháp luật vướng thì phải kiên quyết đề nghị sửa đổi chứ không đẩy khó cho người dân cũng như công tác quản lý” - bà Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm