Biên chế hơn chục người, làm sao quản nổi!

Đây là dự luật quan trọng, cụ thể hóa quyền tự do lập hội – quyền hiến định từ lâu và được đề cao trong Hiến pháp 2013 với hai chữ Nhân dân viết hoa. Đây cũng là món nợ của QH, từng được đưa vào chương trình lập pháp từ 8 năm trước, nhưng lại bị rút ra để đến bây giờ mới thảo luận trở lại.
Dự thảo chưa có đột phá
Chủ động tham gia ý kiến cho dự luật này, đầu tháng 7, PPWG – mạng lưới liên kết hơn 200 cá nhân và các NGO vận động cho sự tham gia của người dân đã tổ chức tọa đàm đầu tiên, khởi động cuộc thảo luận ngoài xã hội về những điều luật sẽ điều chỉnh hoạt động của các tổ chức xã hội.

Dự thảo LVH gồm 37 điều với nội dung tổng quát là quy định về tổ chức, hoạt động của hội và quản lý nhà nước về hội. Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc, người từng tham gia chắp bút, góp ý cho 10 bản dự thảo từ nhiệm kỳ trước cho biết bản văn lần này là dự thảo thứ 14. “Pháp luật hiện tại còn nặng mục tiêu quản lý, chưa tạo điều kiện thông thoáng cho việc hình thành, hoạt động hội. Dự thảo này cũng theo lối mòn đó, trao cho nhà nước quyền duyệt cả nhân sự các hội đoàn. Tôi là người làm trực tiếp mà còn thấy không hợp lý”, ông Phúc bình luận.

Nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nhận xét dự luật mới vẫn theo lối mòn tư duy quản lý cũ.

“Chưa có gì đột phá. Chỉ là phiên bản nâng cấp của các nghị định, thông tư hiện hành về hội. Chất lượng thế này thì có lẽ chưa nên trình QH vội”, PGS-TS Hồ Uy Liêm, nguyên tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN, bày tỏ suy nghĩ khi đọc bản dự thảo của Bộ Nội vụ.
Những năm qua, số lượng các tổ chức hội tăng rất mạnh, hiện đạt con số hơn 500 hội cấp trung ương, hơn 4.000 hội cấp tỉnh và hơn 10.000 hội cấp huyện, xã. Đây chỉ là những hội có đăng ký và được các cấp chính quyền công nhận. Bên cạnh đó còn có vô số các hội, nhóm cũng liên kết tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm không đăng ký với cơ quan nhà nước. Được hỗ trợ trên môi trường internet, ngày càng nhiều hội, nhóm hình thành, tính chất vô cùng đa dạng, theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau. Nếu quản lý nhà nước vẫn theo lề lối cũ, theo ông Liêm, sẽ không thể quản nổi. “Bộ Nội vụ có một vụ theo dõi các tổ chức phi chính phủ, biên chế hơn chục người, làm sao quản nổi”.
Chỉ đăng ký chứ không phải xin phép
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Lã Khánh Tùng, giảng viên Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay quyền tự do lập hội được hiểu là người dân khi lập hội chỉ cần đăng ký, chứ không phải xin phép như ở VN. “Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta đã có bước tiến rất lớn khi chuyển từ xin phép thành lập doanh nghiệp, sang đăng ký kinh doanh. Thế nhưng lĩnh vực xã hội lại vẫn giữ nguyên lề lối quản lý xin – cho cũ. Điều này sẽ cản trở sự phát triển lành mạnh của xã hội”- ông Tùng nói.
Vì vậy, góp ý cho dự luật lần này, ông Tùng cho rằng cơ quan soạn thảo nên thay đổi cách tiếp cận: từ làm luật vì nhu cầu quản lý của nhà nước sang làm luật vì quyền cơ bản của công dân. “Lập hội là quyền tự do hiến định của công dân, và tương ứng với đó là nghĩa vụ của nhà nước trong bảo đảm thực thi quyền. Như chúng ta tọa đàm ở đây, chính là thực hiện quyền tự do, nhà nước không được can thiệp. Đồng thời, nếu có ai đến phá quấy, thì nhà nước có nghĩa vụ bảo vệ chúng ta”, ông Tùng bình luận.
Hội chưa được cấp đăng ký vẫn được thừa nhận
Dự thảo LVH định nghĩa hội là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức VN có tôn chỉ, mục đích phù hợp với quy định của pháp luật, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng.
Cũng theo dự thảo, hội gồm hai loại: hội có tư cách pháp nhân là hội được cơ quan nhà nước cấp đăng ký hoạt động; và hội không có tư cách pháp nhân là hội chưa được cơ quan nhà nước cấp đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, dự luật không quy định chi tiết về loại hội không có tư cách pháp nhân, mà giao Chính phủ quy định.
Cơ chế quản lý hội vẫn được thực hiện theo mô hình “song quản” – Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ chuyên ngành thực hiện quản lý nhà nước với từng hội cụ thể. Ở các hội, đại hội thông qua điều lệ, bầu người đứng đầu hội. Tuy nhiên, điều lệ và người đứng đầu chỉ có hiệu lực sau khi được cơ quan nhà nước phê duyệt và công nhận.
Đáng chú ý, Sắc lệnh số 102/SL/L004 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 20-5-1957 ban hành luật quy định quyền lập hội vẫn có hiệu lực và chỉ bị thay thế bởi luật này, sau khi được QH thông qua và có hiệu lực.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy