Bình Thuận lý giải 13 vụ phá rừng phải tạm đình chỉ

Liên quan đến hàng ngàn m3 gỗ bị triệt phá tại rừng phòng hộ Sông Lũy (Bắc Bình), ngày 26-1,  tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận, đại diện Sở NN&PTNT và Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đã trả lời những câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về vụ việc này.

Mất rừng vì lực lượng mỏng

Theo Sở NN&PTNT, ngày 3-1, giám đốc Sở đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan liên quan để bàn biện pháp ngăn chặn tình hình phá rừng tại lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Sông Lũy ngay trong mùa khô 2018.

Ông Huỳnh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận trả lời tại cuộc họp báo

Cuộc họp cũng góp ý hoàn thiện dự thảo Phương án bảo vệ rừng và Phương án chuyên đề về việc kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại vùng giáp ranh. Phương án này của Ban QLRPH Sông Lũy sẽ gởi đến các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền các xã giáp ranh, UBND các huyện Đức Trọng, Di Linh, tỉnh Lâm Đồng góp ý, ban hành thực hiện trong thời gian đến.

Sở NN&PTNT cho là lâm phận Ban QLRPH Sông Lũy có chiều dài giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng khoảng 60 km, xa khu dân cư, địa hình phức tạp. Các đối tượng phá rừng chủ yếu là công dân tại huyện Đức Trọng - Lâm Đồng rất manh động. Trong khi biên chế lực lượng quản lý bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng hiện nay so với nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tại vùng giáp ranh quá mỏng, không đủ sức đảm đương nhiệm vụ.

Chủ rừng cũng chưa thường xuyên bám rừng, nhất là các khu vực trọng điểm để chủ động ngăn ngừa vi phạm ngay từ đầu. Hạt Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn chưa tích cực tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng.

UBND huyện Bắc Bình dù đã có nhiều biện pháp chỉ đạo giải quyết điểm nóng về phá rừng tại lâm phận Ban QLRPH Sông Lũy nhưng chưa thật mạnh và đồng bộ. Sở NN&PTNT cho biết đã xử lý trách nhiệm đối với 34 cá nhân của BQLRPH Sông Lũy trong đó có 13 trường hợp bị cảnh cáo; một bị cách chức và một người bị cách chức.

Tạm đình chỉ vì không còn tang vật

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM, trách nhiệm của ngành kiểm lâm đến đâu khi có 14 vụ, Hạt Kiểm lâm đã khởi tố vụ án nhưng sau đó phải đình chỉ điều tra, ông Huỳnh Hiếu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận khẳng định do kiểm lâm, Công an và VKS huyện Bắc Bình làm theo… quy trình ngược.

Cụ thể, năm 2015 khởi tố 7 vụ; thời gian từ khi phát hiện đến khi hoàn tất hồ sơ khởi tố từ một tháng đến 6 tháng và đến nay Cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Bình đã tạm đình chỉ 7 vụ án nêu trên.

Năm 2016 khởi tố hai vụ; thời gian từ khi phát hiện đến khi hoàn tất hồ sơ khởi tố từ 10 tháng đến 11 tháng. Đến nay Cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Bình đã tạm đình chỉ hai vụ án nêu trên do không tìm ra người phạm tội nên phải tạm đình chỉ điều tra khi hết thời hạn điều tra vụ án.

Năm 2017, khởi tố 14 vụ; toàn bộ đều phát hiện trước năm 2017, trong đó có một vụ vào tháng 12-2015, số còn lại được phát hiện trong các tháng của năm 2016, nhưng đến tháng 01-2017 mới hoàn tất hồ sơ và khởi tố vụ án. Thời gian kể từ khi phát hiện đến khi hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án và chuyển cơ quan điều tra kéo dài từ trên sáu tháng đến một năm. Đến nay, Cơ quan điều tra Công an huyện Bắc Bình đã tạm đình chỉ 4 vụ án và đang tiếp tục điều tra 10 vụ án khác.

Ông Hiếu cho rằng sở dĩ gọi là “quy trình ngược” do giữa Viện Kiểm sát, Công an và Hạt Kiểm lâm Bắc Bình đã có biên bản thống nhất, khi có vụ việc xảy ra theo hồ sơ của chủ rừng xác lập thì Hạt Kiểm lâm báo cáo cho Công an huyện và Viện Kiểm sát để xem xét và trưng cầu giám định thiệt hại rừng. Khi có kết luận giám định, Hạt Kiểm lâm sẽ làm căn cứ để khởi tố vụ án. Tuy nhiên, do quá trình tuần tra, kiểm tra rừng của Ban QLRPH Sông Lũy phát hiện vi phạm xảy ra không kịp thời, hầu hết các vụ việc đều bị lâm tặc lấy hết gỗ hoặc phần lớn số gỗ khai thác trái phép đã bị đưa ra khỏi rừng, nhưng việc lập hồ sơ ban đầu của đơn vị khi chuyển cho Hạt Kiểm lâm có quá nhiều sai sót, phải trả lại bổ sung nhiều lần.

Theo ông Hiếu, lẽ ra theo thẩm quyền Hạt Kiểm lâm phải ra quyết định khởi tố vụ án chuyển cho công an và CQĐT sẽ trưng cầu giám định để điều tra vụ án. Ngoài ra, giám định viên về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Bình chỉ có ba người. Tuy nhiên sau đó hai người được bổ nhiệm nhận chức vụ cao hơn và giám định viên còn lại cũng đã chuyển công tác khác. Ông Hiếu thừa nhận việc để mất rừng, chậm xử lý những vụ phá rừng có phần trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm Bắc Bình.

Đại diện Công an Bình Thuận cho biết, hiện nay Công an tỉnh đang chỉ đạo Công an Bắc Bình tập trung điều tra các vụ án phá rừng này trong đó chú ý đến những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng và trách nhiệm của đơn vị chủ rừng.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, tập trung chỉ đạo củng cố, kiện toàn nhân sự Ban QLRPH Sông Lũy và Hạt Kiểm lâm Bắc Bình nhằm đảm bảo lực lượng, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng để chấm dứt tình trạng khai thác lâm sản trái phép ngay trong quý I/2018.

Tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu có liên quan trách nhiệm trong việc để phá rừng nghiêm trọng kéo dài tại lâm phận Ban QLRPH Sông Lũy. Phối hợp với Sở Tư pháp Bình Thuận rà soát, tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung lực lượng Giám định viên tư pháp về lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bắc Bình cho phù hợp.

Hàng ngàn khối gỗ quý ở rừng Sông Lũy bị triệt hạ
Hàng ngàn khối gỗ quý ở rừng Sông Lũy bị triệt hạ
(PLO) - Lãnh đạo Bình Thuận yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân đặc biệt là người đứng đầu có liên quan trách nhiệm trong việc để phá rừng nghiêm trọng kéo dài tại lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lũy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm