Bộ Công an đang điều tra, thu hồi tài sản vụ Trần Bắc Hà

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 của Chính phủ chiều nay, 3-12, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an, cho biết CQĐT đang tiến hành điều tra, thu hồi tài sản đối với vụ việc liên quan đến ông Trần Bắc Hà, cựu chủ tịch HĐQT của Ngân hàng BIDV.

Đang điều tra vụ Trần Bắc Hà

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về vụ việc cơ quan điều tra vừa khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 nhưng không rõ ông Hà liên quan đến vụ án cụ thể nào?

Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Lương Tam Quang cho hay: “Thông tin này đã đăng tải trên cổng công tin điện tử của Bộ Công an khá đầy đủ và chi tiết. Ngày 29-11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Bắc Hà và một số cá nhân khác về tội vi phạm quy định hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Sự việc xảy ra tại BIDV, Chi nhánh Hà Tĩnh. Hiện Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang điều tra thu nhập, củng cố chứng cứ và thu hồi tài sản theo đúng quy định. Khi có kết luận điều tra chúng tôi sẽ thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an.

Về việc trước khi bắt ông Hà, trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin này, ông Quang cho hay do vụ việc liên quan đến hoạt động ngân hàng, thị trường tài chính nên việc thông tin phải rất thận trọng. Tất cả thông tin bên ngoài đều là mạng xã hội đưa.

“Kể cả trước khi bắt một phút, báo chí hỏi thông tin tôi cũng không thể trả lời. Mọi thông tin chính thức, Bộ Công an sẽ công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an. Các bạn hỏi Bộ có thông tin vụ việc muộn hay không? Chúng tôi công bố thông tin theo đúng quy định” - ông Quang nhấn mạnh.

Về vụ việc hai nữ phóng viên phanh phui vụ “bảo kê” chợ Long Biên, ông Quang cho hay hai phóng viên này đã nhận được tin nhắn đe doạ. Cơ quan của các phóng viên này đã gửi công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc, xác minh điều tra, bảo vệ các phóng viên và Bộ Công an đã có chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ và Công an Hà Nội vào cuộc. “Tôi là người trực tiếp nhận công văn này, hiện Bộ Công an đã chỉ đạo giao cơ quan nghiệm vụ và Công an TP Hà Nội vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ” - ông Quang nói.

Sẽ điều chỉnh mức đầu tư tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên

Liên quan đến câu hỏi về việc đại sứ Nhật Bản vừa gửi thư cảnh báo tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) của TP.HCM có nguy cơ phải dừng thi công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2007, với tổng mức đầu tư hơn 17.300 tỉ đồng.

Sau khi xây dựng dự án, TP thuê tư vấn chung và có thuê tư vấn thẩm định độc lập, có ý kiến của nhà tài trợ ODA Nhật Bản, ý kiến các bộ, cơ quan liên quan và Thủ tướng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Năm 2011, TP phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 47.300 tỉ đồng. Theo Nghị quyết 49 của QH khóa 12, dự án này thuộc nhóm đặc biệt quan trọng quốc gia, phải báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. TP.HCM vừa qua có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng. Thủ tướng giao cho Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ có báo cáo các cơ quan liên quan để giải quyết theo quy định. Hiện Bộ Giao thông đang xây dựng báo cáo.

“Thư của đại sứ Nhật Bản gửi cho TP.HCM và có gửi cho Thủ tướng, lo ngại nếu để lâu thì việc thanh toán nhà thầu sẽ gặp khó khăn. Nhưng số hơn 17.300 tỉ đồng hiện đã giải ngân được hơn 13.600 tỉ, đạt con số 52% của tổng mức đầu tư lần đầu. Như vậy số nợ nhà thầu như thư của đại sứ là có nhưng không phải quá nhiều” - ông Dũng nói.

Bộ GTVT nói về sự cố hàng không của VietJet Air

Tại cuộc họp báo, báo chí cũng đặt câu hỏi tại sao không có cơ quan độc lập tham gia điều tra vụ máy bay của hãng VietJet Air rơi bánh.

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay máy bay xảy ra sự cố này mới nhập ngày 15-11, tức là mới nhập về gần hai tuần trước khi đưa vào khai thác. Sau khi xảy ra sự cố thì Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đã đưa máy bay vào vị trí an toàn và tiến hành sửa đường băng.

Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam thì có thành lập tổ điều tra do Cục Hàng không chỉ đạo kết hợp với nhà sản xuất Airbus. Hiện nay hộp đen được niêm phong và chờ hướng xử lý.

Hiện tổ điều tra của Cục Hàng không Việt Nam kết hợp với nhà sản xuất Airbus của Pháp đang làm các thủ tục điều tra sau khi kiểm tra xong hộp đen, cái này cần có thời gian. Trừ trường hợp khi nào điều tra của hàng không quốc gia xảy ra “sự cố”, không tiếp cận được hoặc điều tra không rõ ràng thì khi đó mới cần một cơ quan độ lập khác.

Liên quan đến việc gần đây có nhiều chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, ông Nhật cho hay hiện tỉ lệ chậm, hủy chuyến của hàng không quốc tế là 16%-18% (theo thông báo của CIAO), còn của Việt Nam là 14%-16%, thấp hơn quốc tế. “Ở VNA vừa rồi có 8% nhưng của VJ 18%... bình quân thấp hơn quốc tế. Vừa qua xảy ra cơn bão số 9 nên tỉ lệ chậm, hủy chuyến cao hơn, còn cơ bản điều hành tốt” - ông Nhật nói.

Phóng viên đặt câu hỏi việc thanh tra, kiểm tra dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đã tiến hành đến đâu? Vì sao hiện tại vẫn xuất hiện thêm ổ gà mới tại cao tốc này?

Ông Nhật cho hay cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi dài 139 km, trong 65 km đầu đã đưa vào hoạt động vào tháng 7-2017 với tổng diện tích 3,1 triệu m2, vừa rồi hỏng có 70 m2. Hiện sau khi sự cố xảy ra, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị đang nằm trong giai đoạn bảo hành sửa chữa khẩn cấp để đưa vào hoạt động bình thường.

Bộ trưởng GTVT cũng ký quyết định yêu cầu thanh tra, Bộ GTVT cũng tiến hành thanh tra đột xuất, hiện nay thanh tra đang làm thủ tục kiểm tra, khi nào có kết quả thì thông báo.

“Ngày 28-11, đoàn kiểm tra của Ủy ban TVQH do Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển và Ủy ban Tài chính-Ngân sách, UBKT, UB KHCN cùng đi kiểm tra dự án này, sau khi đi kiểm tra về sẽ có thông báo. Một số vấn đề khác đang tích cực sửa chữa đưa vào đúng thiết kế” - ông Nhật cho hay.

Bộ GD&ĐT trả lời vụ giáo viên phạt 231 tát tai

Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về việc mới đây Ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã cho học sinh trả lời 19 câu hỏi trong “phiếu điều tra” sau vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy yêu cầu các học sinh tát em HLN, lớp 6.2.

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nêu rõ trường hợp cô giáo từ việc một số em học sinh chưa ngoan, hay nói tục, chửi bậy đã đưa ra quy định cho các em tát học sinh. Chính cô giáo cũng không kiềm chế được, cũng tát học sinh. Đó là phương pháp giáo dục phản sư phạm, khiến xã hội bức xúc và lên án. Sai phạm của cô giáo đó đã bị công an khởi tố.

"Tuy nhiên, gần đây báo chí phản ánh việc cô giáo hiệu trưởng đã phát phiếu cho học sinh để khảo sát về việc này. Hôm nay chúng tôi mới nhận được thông tin về việc này và thấy rằng cô giáo đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Hiệu trưởng, Ban giám hiệu đã hạn chế, yếu kém về năng lực, kinh nghiệm quản lý.

Sự việc này đã rõ ràng, lẽ ra phải xử lý và báo cáo để xử lý nghiêm thì cô hiệu trưởng lại làm một việc rất phản giáo dục là yêu cầu học sinh khảo sát một việc rất phản cảm. Chúng tôi đã yêu cầu Sở GD&ĐT Quảng Bình phối hợp với UBND huyện chỉ đạo xử lý nghiêm và sớm báo cáo Bộ Giáo dục.

Sự việc này chúng tôi đã biết và đã làm. Đồng chí hiệu trưởng này vừa thiếu kinh nghiệm, vừa yếu nghiệp vụ, vừa thiếu trách nhiệm” - bà Nghĩa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm