Bộ GTVT thừa nhận chính sách 'thu giá' BOT còn bất cập

Trước đó, ngày 31-5, Bộ GTVT đã có báo cáo dài 21 trang gửi các ĐBQH về những vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của bộ này tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV.

Từ trạm thu phí đổi thành "trạm thu giá" ...

Theo báo cáo, đến nay Bộ GTVT đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư hơn 209.000 tỉ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ 68 dự án với tổng mức đầu tư gần 208.000 tỉ đồng.

Bộ GTVT cũng đánh giá các tồn tại, bất cập tập trung vào sáu nhóm vấn đề. Đáng chú ý là việc đầu tư các dự án này hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng.

Cạnh đó, việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại, sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình;

Hầu hết dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà đầu tư...;  

Chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu;

Chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập, còn có nhiều cách hiểu khác nhau...

Cũng theo báo cáo của Bộ GTVT, từ năm 2016 đến nay Bộ đã "nghiêm túc, cầu thị, từng bước xử lý các bất cập, tồn tại đã được nhận diện". Liên quan đến mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Bộ GTVT cho rằng mức giá đang thu "được tính toán, xác định phù hợp với mức khung” được quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính trước đây và nay là Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT của Bộ GTVT.

Mức giá tại các trạm đều được sự đồng thuận của địa phương và được Bộ Tài chính ban hành thông tư riêng cho từng trạm. Trong quá trình ban hành thông tư, Bộ Tài chính đã có chính sách miễn giảm đối với người dân có nhu cầu đi lại qua trạm nhiều lần trong ngày thông qua việc yêu cầu nhà đầu tư phải bán vé quý, vé tháng, miễn thu toàn bộ cho xe mô tô, xe thô sơ...

Tuy nhiên, văn bản của Bộ GTVT cũng thừa nhận thực tế một bộ phận người dân quanh khu vực trạm sử dụng đoạn đường ngắn vẫn phải trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ, một số phương tiện trên các tuyến đường ngang đi qua phạm vi trạm phải trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ mặc dù sử dụng đoạn đường ngắn.

Để xử lý tồn tại, bất cập này, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với toàn bộ người dân quanh trạm. Đồng thời, "giảm tối đa mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với tất cả loại xe nếu phương án tài chính của dự án còn khả thi".

Về giải pháp xử lý trong thời gian tới, Bộ GTVT cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, bởi cơ chế chính sách điều chỉnh hoạt động của hình thức hợp đồng BOT còn nhiều bất cập. Bộ GTVT coi đây là “giải pháp ưu tiên hàng đầu”, đồng thời cho rằng cần sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công-tư, rà soát toàn bộ hệ thống nghị định, thông tư liên quan, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP và thông lệ quốc tế...

Ngoài ra, thanh tra các bộ và Thanh tra Chính phủ tăng cường kiểm tra, đấu tranh với các sai phạm để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, văn bản của Bộ cho rằng “công tác tuyên truyền và công khai thông tin cần được thực hiện một cách hiệu quả hơn nữa” để xã hội có được sự đồng thuận hơn về một chủ trương lớn của Đảng, đồng thời cũng là giải pháp tất yếu trong điều kiện nguồn lực khó khăn như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm