Sai phạm trong bổ nhiệm người nhà: Cần xử lý hình sự

Theo đại biểu (ĐB) Vân, lâu nay nhiều vụ bổ nhiệm cán bộ gây bức xúc dư luận vẫn được giải trình là “đúng quy trình” vì họ làm đúng các bước mà quy trình đặt ra. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ nhân sự đặt vào trong cái quy trình đó không đạt yêu cầu, không đúng. “Chẳng hạn, muốn từ chuyên viên lên phó phòng, phó phòng lên trưởng phòng phải có các tiêu chí cụ thể xem đã công tác ở vị trí đó bao lâu, có các tiêu chí cụ thể gì về năng lực, đó mới là quan trọng” - ông lấy ví dụ.

Ông cho rằng không phủ nhận có chuyện "hổ phụ sinh hổ tử" nhưng điều này phải đặt trong một nền chính trị minh bạch, một nền giáo dục trong sáng, ý thức tự tôn pháp luật cao và căn cứ vào phẩm chất của người được bổ nhiệm.

Theo ĐB Vân, tình trạng bổ nhiệm người nhà xảy ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua là lạm dụng quy trình, bất chấp quy định để đưa người nhà, người thân vào trục lợi, đặc biệt là các vị trí quan trọng về kinh tế.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân.

“Các hành vi vi phạm về công tác cán bộ thời gian qua diễn ra rất nhiều, dư luận phẫn nộ, thậm chí làm lung lay chế độ. Vậy tại sao không đưa các chế tài xử lý về việc này vào Bộ luật Hình sự. Tôi đã góp ý rất nhiều lần nhưng chưa được tiếp thu” - vị ĐB Quốc hội nhấn mạnh.

Theo ĐB Vân, để chống tình trạng bổ nhiệm người nhà, trước hết cần xây dựng một bộ tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh để làm sao cho những ai tài hèn đức mọn thấy bộ tiêu chí ấy thì không muốn, không dám và không thể tiếp cận được, dùng tiền cũng không mua được. Thứ hai, cơ chế tiến cử, đề cử phải gắn với trách nhiệm. "Phải trừng trị những người nào đề cử, tiến cử, bổ nhiệm nhầm người, gây hậu quả nghiêm trọng. Đó là những khung hình phạt răn đe để người ta thấy được quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân trao cho họ. Quyền lực ấy không thể lạm dụng được, không thể biến của công thành của tư được" - ông nhấn mạnh.

“Việc sửa Bộ luật Hình sự đang được Quốc hội thảo luận. Chương 23 trong Bộ luật Hình sự quy định tội phạm về chức vụ có Điều 352 nói về tội phạm chức vụ, trong đó có chỉ ra rất nhiều dấu hiệu về tội phạm chức vụ nhưng chủ yếu nói về kinh tế trong khi tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn rất rộng, từ quản lý hành chính đến tư pháp. Đặc biệt, công tác cán bộ không hề được nhắc đến. Điều này là chưa đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đó là phải có công cụ pháp lý hiệu quả để ngăn chặn, kiểm soát quyền lực” - ông phân tích.

ĐB Vân cho hay đã liệt kê ra một số dấu hiệu vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm phải xử lý hình sự đối với sai phạm trong công tác cán bộ như tiến cử, đề cử, giới thiệu người ứng cử trái quy định, không đúng tiêu chuẩn; làm hồ sơ, lập hồ sơ thẩm định cán bộ trái sự thật; bổ nhiệm những người không đủ tiêu chuẩn, bất chấp quy định; đe dọa, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc những người khác vào quy trình sai trong công tác cán bộ; ngăn trở, trù dập người có đức có tài, không để họ phát huy được; gian lận trong kiểm phiếu, tác động đến kết quả kiểm phiếu trong giới thiệu, bổ nhiệm nhân sự… “Trong đó phải đưa yếu tố tình tiết tăng nặng là đưa người thân, người nhà không đủ tiêu chuẩn vào vị trí được bổ nhiệm. Nếu làm được như vậy thì không ai dám bổ nhiệm người nhà” - ĐB Vân nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm