Bỏ phỏng vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài?

Một trong những vấn đề thu hút nhiều ý kiến tranh luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai Luật Hộ tịch diễn ra hôm qua (17-7) là việc nên giữ hay bỏ thủ tục phỏng vấn khi giải quyết yêu cầu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.

“Bước cải cách mạnh mẽ”

Sở dĩ có cuộc tranh luận này bởi dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch đã loại bỏ thủ tục này, coi đây là “bước cải cách mạnh mẽ”, hướng tới bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong việc thực hiện kết hôn. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, biện pháp “phỏng vấn” lại được xem như một “rào cản pháp lý” nhằm góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của các bên khi kết hôn.

Đánh giá về hiệu quả của biện pháp này trên thực tế, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch và chứng thực Nguyễn Công Khanh cho rằng “mục đích to lớn nhưng không hiệu quả”, việc triển khai có nhiều bất cập và dễ nảy sinh tiêu cực.

Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp cho biết theo phản ánh của nhiều địa phương, đây là thủ tục nặng về hình thức. Thực tế, hãn hữu mới có trường hợp kết hôn bị từ chối thông qua kết quả phỏng vấn. Mặt khác, mục đích phỏng vấn rất rộng, vượt ngoài khả năng hiểu biết của cán bộ làm công tác hộ tịch bởi ngoài việc đánh giá mức độ hiểu biết hoàn cảnh gia đình, cá nhân của nhau, phỏng vấn còn để đánh giá mức độ hiểu biết của các bên về văn hóa, lịch sử, pháp luật, phong tục tập quán… mỗi nước.

“Để bảo vệ quyền lợi của các bên, quyền kết hôn của công dân theo Hiến pháp 2013, tránh hình thức, gây phiền hà cho người dân, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị giữ nguyên theo quy định hiện tại của dự thảo nghị định - không quy định thủ tục phỏng vấn khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài...” - tờ trình Chính phủ nêu rõ.

Phỏng vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HTD

Nếu giữ, phải quy định thật cụ thể

“Quan điểm của chúng tôi là không cần phỏng vấn kết hôn” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Lê Thị Bình Minh nói. Theo bà Minh, việc phỏng vấn kết hôn hiện có nhiều bất cập, mang tính hình thức, cảm tính. “Thực tế, chúng tôi thấy có nhiều cặp nam thanh nữ tú khi đến Sở Tư pháp đăng ký rất đẹp đôi, hồ sơ giấy tờ rất chuẩn nhưng thực ra các cặp đó lại có vấn đề ở bên trong. Họ không phải đăng ký thật, người nước ngoài được thuê đăng ký kết hôn để sau đó bảo lãnh đưa cô gái Việt Nam đi nước ngoài” - bà Minh cho hay.

“Đó chỉ là cảm nhận cá nhân của chúng tôi nhưng liệu với cảm nhận chủ quan thì qua phỏng vấn có dám từ chối những cặp này không trong khi họ có đầy đủ hồ sơ? Hoặc thực tế cũng có những cặp rất khập khiễng, tuổi đời chênh lệch, trông không đẹp… nhưng họ lại là kết hôn thật, với mong muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc, văn minh, bền vững” - bà Minh nói thêm.

Cũng theo bà Minh, khi phỏng vấn kết hôn còn xảy ra tình trạng “vướng” về phiên dịch, mỗi Sở Tư pháp thực hiện một kiểu khác nhau. Có nơi thuê người phiên dịch, chi phí phiên dịch để cặp đến phỏng vấn tự thỏa thuận với người phiên dịch vì Sở không có tiền để trả chi phí này. Cũng có nơi Sở Tư pháp lại “thả” để cho các cặp đăng ký tự đưa phiên dịch của mình đến… Tình trạng này dẫn đến việc không đạt được hiệu quả như mong muốn, đôi khi có những tiêu cực, có những công ty dịch “sân sau”…

Từ phân tích này, bà Minh đề nghị “chỉ phỏng vấn trong những trường hợp hết sức đặc biệt và phải hướng dẫn rõ”. “Bản chất của phỏng vấn kết hôn nhằm mục đích gì, phỏng vấn những nội dung gì, khi những nội dung đó không đạt thì dẫn đến hệ lụy pháp lý gì. Nếu quy định được rõ những cái đó thì hãy quy định, còn nếu chỉ quy định chung chung là phỏng vấn thì rất dễ tạo ra khe hở về pháp luật” - bà Minh nói.

Đại diện Sở Tư pháp TP Cần Thơ cũng đồng tình với đề xuất bỏ thủ tục phỏng vấn.

“Có phương án nào tốt hơn không?”

Tại hội nghị, đại diện Cục Pháp chế và cải cách hành chính (Bộ Công an) cung cấp một số thông tin liên quan đến việc cấp số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh theo quy định tại dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân. Theo đó, khi cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì trong thời hạn ba ngày (kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh của công dân), cơ quan đăng ký khai sinh chuyển các thông tin cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cá nhân. Trong thời hạn ba ngày (kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ quan đăng ký khai sinh), cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có trách nhiệm cấp số định danh cá nhân.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Lê Thị Bình Minh cho rằng quy định trên là bước lùi so với hiện hành, bởi hiện nay thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh chỉ trong một ngày, trường hợp cần xác minh thì không quá năm ngày làm việc. “Có phương án nào tốt hơn không, còn nếu sáu ngày mới cấp được giấy khai sinh cho trẻ thì đây là việc rất khó khăn cho cơ sở khi phải đối mặt với dân, trả lời về những việc thuộc trách nhiệm của mình” - bà Minh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm