Bộ trưởng có đủ dũng khí từ chối không?

Trong phiên chất vấn vừa kết thúc chiều nay 15-11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã đặt câu hỏi trên với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận xét: Bộ trưởng đã nắm rõ các vấn đề, có nhiều giải pháp tốt. “Vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm, phải thực hiện các giải pháp đó” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.

Bộ trưởng có đủ dũng khí từ chối không? ảnh 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QH

Đặt vấn đề như trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa hỏi: “Bộ trưởng có thấy bộ máy của mình đủ sức, để thực hiện các giải pháp nêu trên không? Nếu quan điểm của Bộ khác với các địa phương, thậm chí là khác với các phó thủ tướng thì bộ trưởng có đủ dũng khí để từ chối thực hiện dự án ảnh hưởng đến môi trường hay không?”.

Trước đó, nhiều đại biểu khác cũng đã đặt những câu hỏi thẳng thắn về trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực này.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập đến tình trạng mà ông gọi là “hiện tượng” phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, việc phê duyệt ĐTM của doanh nghiệp là rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp “thuê” chính cơ quan thẩm định này thiết kế phương án ĐTM thì sẽ được thông qua rất nhanh. “Bộ trưởng có biết hiện tượng này không? Nếu không biết thì bộ trưởng có chỉ đạo làm rõ không? Nếu biết rồi thì bộ trưởng sẽ giải quyết thế nào?” - đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi.

Bộ trưởng có đủ dũng khí từ chối không? ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: QH

Cũng liên quan đến ĐTM, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương còn nêu tình trạng dù có ĐTM và ĐTM đầy đủ tiêu chí theo yêu cầu nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lại hỏi: “Bộ trưởng sẽ giải quyết tình trạng “thả gà ra đuổi” trong quản lý nhà nước đối với vấn đề này như thế nào?”

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) thì nêu ra vấn đề Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang xin “nhấn chìm” 1,5 triệu tấn chất thải do nạo vét xuống biển và đặt câu hỏi rằng: Phải làm sao để bảo vệ được môi trường biển.

Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) thì nêu trường hợp cụ thể về nhà máy Bột giấy Lee&Man và cũng như hàng chục khu công nghiệp đang có khả năng bức tử sông Hậu và các dòng sông khác. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ trưởng Trần Hồng Hà minh bạch các giải pháp phòng ngừa trong xử lý ô nhiễm.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) thì hỏi Bộ trưởng Trần Hồng Hà về cơ sở nào để tính toán việc Formosa bồi thường 500 triệu USD do sự cố môi trường biển mà họ gây ra. Đại biểu Thái Trường Giang là người cuối cùng đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Câu hỏi kết thúc đúng lúc 17 giờ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: Các câu hỏi của đại biểu hôm nay đặt cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà một nhiệm vụ hết sức nặng nề. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, trong đêm nay, Bộ trưởng Trần Hồng Hà phải gom các câu hỏi thành chủ đề, để có thể trả lời các câu hỏi của đại biểu trong vòng 20 phút vào phiên chất vấn sáng 16-11.

Theo kế hoạch, sáng 16-11, sau khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà kết thúc phần trả lời, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu về lĩnh vực giáo dục

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.