Bộ trưởng Tài chính giải trình về nợ công tăng nhanh

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XIII đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thựchiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn Quốc hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: 
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Dữ liệu do Bộtrưởng Đinh TiếnDũng cung cấp cho thấy, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên ước khoảng 59,6% GDP vào cuối năm 2014 (thấp hơn so với số báo cáo Quốc hội trước đây là 60,3% do kết quả phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh của Ngân hàng phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2014 thấp hơn so với hạn mức đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và điều chỉnh bổ sung khoản vay xử lý nợ thuế giá trị gia tăng là 12.163 tỷ đồng).

Mặt khác, nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với kỳ hạn dài, lãi suất thấp trong nợ công giảm dần nên chúng ta chuyển sang vay trong nước theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tỷ trọng vay trong nước tăng lên, chủ yếu qua phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ tăng nhanh trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó, vẫn phải bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn. Các chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội.

“Nợ công là nguồn vốn quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước cho chi đầu tư (1,5%) và một phần chi sự nghiệp trong các dự án vay ODA theo cam kết (0,4%)”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại tạo nên gánh nặng nợ công như: Chưa giải quyết dứt điểm tình trạng một số chủ đầu tư được Chính phủ bảo lãnh thực hiện đúng quy định bố trí đủ mức vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư. Về nguyên tắc, chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công.

Ngoài ra, tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến. Qua công tác thanh tra của Bộ Tài chính, trong số 246 dự án sử dụng vốn vay có điều chỉnh tổng mức đầu tư, có 38 dự án vốn ODA có tổng mức đầu tư tăng thêm 109.824 tỷ đồng và 453,66 triệu USD; 02 dự án được Chính phủ bảo lãnh tăng 6.792 tỷ đồng; 206 dự án vay về cho vay lại có tổng mức đầu tư tăng 148.153 tỷ đồng và 47,5 triệu USD, làm tăng chi phí và nợ công.

Do đó, thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới (gồm vay của Chính phủ, vay được Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương), bảo đảm trong giới hạn cho phép; sử dụng để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế xã hội thiết yếu theo quy hoạch….

Theo vị tổng tư lệnh ngành Tài chính, chỉ tiêu nợ công so với GDP phù hợp với mục tiêu chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và trong giới hạn được Quốc hội cho phép. Nợ công cuối năm 2013 ở mức 1.954.261 tỷ đồng, bằng 54,5% GDP.

STT

Loại nợ

2010

2011

2012

2013

A

Nợ công (tỷ đồng)

1.115.040

1.392.020

1.647.124

1.954.261

1.

Nợ Chính phủ

882.750

1.092.761

1.279.484

1.528.131

2.

Bảo lãnh Chính phủ

225.514

288.375

343.100

396.114

3.

Nợ địa phương

6.776

10.884

24.540

30.016

B

Nợ công/GDP

51,7%

50,1%

50,8%

54,5%

1.

Nợ Chính phủ

40,9%

39,3%

39,4%

42,6%

2.

Bảo lãnh Chính phủ

10,5%

10,4%

10,6%

11,1%

3.

Nợ địa phương

0,3%

0,4%

0,8%

0,8%

Đến cuối năm 2013, dư nợ công tăng khá nhanh (năm 2010/2009 tăng 27%; năm 2011/2010 tăng 24,8%; năm 2012/2011 tăng 18,3%; năm 2013/2012 tăng 18,6%). Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, kinh tế trong nước suy giảm nên thu ngân sách nhà nước gặp khó khăn (chỉ đạt khoảng 95% mục tiêu phấn đấu 5 năm 2011-2015), phải thực hiện các gói kích cầu từ năm 2009 và gắn liền với đó là hàng loạt các chương trình miễn giảm thuế nhằm khôi phục sản xuất kinh doanh trong khi vẫn phải duy trì hàng loạt các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, việc gia tăng dư nợ công còn do sức ép về nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển rất lớn, thúc đẩy gia tăng huy động vốn vay công; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho các chương trình, dự án đầu tư gia tăng đáng kể làm cho bội chi ngân sách nhà nước luôn duy trì ở mức cao. Ngoài ra, thời gian qua giá trị đồng Việt Nam liên tục suy giảm, dao động mạnh, mặc dù từ cuối năm 2012 đã có tín hiệu cải thiện nhưng chưa thực sự bền vững nên đã làm cho trị giá các khoản dư nợ công bằng ngoại tệ quy đồng Việt Nam tăng lên.

TheoNguyễn Hiền/Dân trí

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy