Bộ trưởng Y tế: Sẽ học ít nhất 9 năm mới được hành nghề y

Trong buổi thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 27-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến được mời lên để phát biểu thêm về những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Sau khi làm rõ thêm những thành tựu của ngành y tế cũng như lý giải những khó khăn mà ngành gặp phải, Bộ trưởng Kim Tiến đã dành thời gian nói về các giải pháp.

Theo Bộ trưởng Tiến, Bộ Y tế thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 20, 21, Nghị quyết 68 của Quốc hội và các nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, phải có giải pháp "kiềng ba chân".

“Chân trái là xây dựng y tế cơ sở, chăm sóc con người khi còn đang khỏe mạnh, từ nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi chưa bị bệnh, bởi nếu bị nặng thì chữa rất khó và vào bệnh viện rất tốn kém và nằm lâu”, Bộ trưởng Y tế nói.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng Kim Tiến đề cập đến việc phải có chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu gắn với mô hình y học gia đình, gắn với trạm y tế xã, phường và phòng khám bác sĩ gia đình.

“Đối với các nước có thu nhập bình quân khoảng 15.000-17.000 USD họ mất 10 năm mới xây dựng tương đối mô hình này. Nhưng Việt Nam chúng ta sẽ phấn đấu với mức thu nhập GDP khoảng 2.500-3.000 trong 10 năm”, Bộ trưởng Kim Tiến cho hay và khẳng định: “Trong năm năm tới chúng ta sẽ có mô hình cơ bản và 20 năm sau sẽ nhân rộng trong toàn quốc”.

Chân kiềng thứ hai, theo Bộ trưởng Y tế, là cách thức chăm sóc chu đáo, toàn diện, chất lượng của các bệnh viện nhằm giảm thời gian nằm viện, giảm lây chéo, tăng điều trị ban ngày, tăng cơ sở vật chất và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm bớt người ra nước ngoài chữa bệnh.

“Sắp tới Bộ Y tế sẽ khánh thành một loạt cơ sở khám, chữa bệnh hiện đại theo thiết kế nước ngoài và đội ngũ cán bộ cao cấp, thậm chí mời cả chuyên gia nước ngoài theo yêu cầu”, Bộ trưởng Kim Tiến thông tin.

Bộ trưởng mong muốn một ngày không xa những người nước ngoài công tác tại Việt Nam và người Việt Nam không phải ra nước ngoài mà chữa tại Việt Nam. “Việc này chúng tôi nghĩ trong tầm tay của nền y tế Việt Nam hiện nay nhưng phải có nhiều chính sách đồng bộ, đặc biệt là cơ chế tài chính”, Bộ trưởng Kim Tiến nói.

Chân kiềng thứ ba, theo Bộ trưởng Kim Tiến, là nhân lực, tài chính và cơ sở hạ tầng. Trong các vấn đề thuộc “chân kiềng thứ ba”, Bộ trưởng Y tế nói Luật Giáo dục Đại học phải có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế.

“Sáu năm ra trường phải học thêm một năm nữa, tức là phải thực hành rồi thi toàn quốc để lấy chứng chỉ hành nghề, với đánh giá của Hội đồng Giáo dục quốc gia độc lập. Sau đó học chuyên khoa ít nhất 2-3 năm mới có thể hành nghề. Như vậy mới đảm bảo được chất lượng đào tạo và theo mô hình quốc tế”, Bộ trưởng Kim Tiến đề nghị.

Đồng thời, việc đào tạo nhân lực ngành y tế, Bộ trưởng Kim Tiến nói nên “đi theo hai hệ”. “Một hệ hàn lâm là thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư là giảng dạy, nghiên cứu. Còn hệ thực hành là bác sĩ chuyên khoa, rất quý giá trong thực hành. Hai hệ đó hoàn toàn khác nhau, không thể nói tương đương, không thể nói hệ này kém hệ kia mà mỗi hệ là một nghề, mặc dù chúng ta có thể gọi là bác sĩ”, Bộ trưởng Y tế kết thúc phần phát biểu giải trình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm